Gần đây, Hamy có đọc tin một cô hiệu trưởng trường quốc tế ở Đà Nẵng có hành vi bạo hành với một số trẻ tại trường. Tuy nhiên, theo một bài viết mà mình đọc được về ngôi trường này thì họ luôn hướng đến việc: “Sự tự do lựa chọn cho phép trẻ khám phá theo nhu cầu, sở thích và khả năng của mình. Thông qua việc tự do lựa chọn những gì đứa trẻ muốn làm, chúng trở nên tham gia hơn trong việc học tập, phát triển sự tập trung, độc lập và học tập hiệu quả hơn”.
Nhưng chính cô hiệu trưởng đã phản bội trẻ, phản bội phụ huynh và đi ngược lại với những gì họ tuyên bố.
Vậy liệu mầm non ở Việt Nam thật sự đang xây dựng một trường học hạnh phúc hay chỉ đang làm kinh doanh giáo dục mà thôi?
Khi đến thăm các trường mầm non ở Việt Nam, điều đầu tiên mình làm chính là tìm hiểu về triết lý giáo dục của họ. Và một triết lý mà hầu hết các trường đều đề cập trước tiên là “Tạo dựng con người hạnh phúc – Tập trung nuôi dưỡng những đứa trẻ hạnh phúc”.
Lúc đó, một câu hỏi bật ra trong đầu mình “Thế họ làm thế nào để trẻ được hạnh phúc?”, và có phải tất cả các trường mầm non đều làm được điều đó?
Làm sao đứa trẻ có thể hạnh phúc khi chúng bị bắt học và làm theo khuôn mẫu?
Làm sao chúng có thể hạnh phúc thưởng thức bữa ăn khi bị ép trong khi bản thân chưa cảm thấy đói?
Làm sao chúng có thể hạnh phúc khi mà ngay cả việc ngủ cũng bị ép buộc?
Làm sao chúng có thể hạnh phúc khi buộc phải ngồi ngoan ngoãn, giữ trật tự để học những thứ mà chúng còn không biết đến ý nghĩa thực sự của những bài học đó là gì?
Có một lần mình đưa các bé ra công viên ở Đà Nẵng chơi thì gặp một nhóm trẻ khác cũng đến chơi trong cùng một khuôn viên. Với mình, đây là cơ hội tuyệt vời để các bạn nhỏ giao tiếp, kết bạn, và mở rộng mối quan hệ với bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, khi các bé ấy đến tham gia cùng với nhóm của mình thì cô giáo của các bé đến và gọi chúng về. Mình có đề nghị với cô giáo đó rằng: “Xin cô cứ để các bé chơi” nhưng đáp lại mình chỉ là một khoảng không thinh lặng. Mình chẳng thể quên được ánh mắt của một cậu bé trong nhóm, vừa muốn được tham gia nhưng lại sợ hãi dò xét nét mặt của cô giáo.
Tại khoảnh khắc đó, mình tự hỏi: “Liệu trẻ có được hạnh phúc thật sự?”. Hạnh phúc không chỉ đến từ lời nói “Cô yêu con” của giáo viên mà hạnh phúc của trẻ còn đến từ việc được thỏa mãn, được tự đưa ra lựa chọn, quyết định mà không bị bất cứ nỗi sợ nào chi phối, hoặc được tự do khám phá mà không bị bất kỳ ai ngăn cấm.
“Cô giáo ơi, cô đã vô tình làm tiêu tan mất nguồn hứng khởi của các bé ấy mất rồi”.
Là một phụ huynh, mình cũng luôn tự hỏi: “Làm sao để có thể tin tưởng và chọn lựa một nơi mà trẻ được hạnh phúc đúng nghĩa?”. Thú thật là mình vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng cho phụ huynh Việt Nam.
Tuy nhiên, Hamy có thể chia sẻ những gì mà trường của chúng mình đã và đang làm tại Nhật, và chúng mình rất hoan nghênh sự viếng thăm của các bậc phụ huynh và thầy cô để mọi người có góc nhìn mới về giáo dục mầm non.
Bên cạnh cha mẹ thì giáo viên chính là người có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ, do đó đối với giáo viên và chủ trường, mình hy vọng họ: “Tôn trọng và giữ sự tự trọng với những gì họ tuyên bố. Tôn trọng trẻ như đối tác mà họ cần tương hỗ trong công việc, tôn trọng mọi mong muốn và dung thứ cho những quyết định sai lầm của trẻ.”
Vai trò của người làm giáo dục là hướng đến hạnh phúc của trẻ, phục vụ chính nhu cầu của trẻ chứ không phải để thỏa mãn mong cầu của cha mẹ.
Phần lớn các trường học mầm non ở Việt Nam đưa các chương trình giáo dục sớm vào trường mầm non chỉ để thu hút phụ huynh chứ chưa thực sự đặt ưu tiên hạnh phúc cho trẻ nhỏ. Nếu bạn thử ghé thăm một trường mầm non ở Việt Nam, bạn sẽ thấy lịch trình sinh hoạt dày đặt mà các em bé phải chạy đua để kịp giờ. Trẻ không có thời gian tự do, không được chơi đùa, chạy nhảy một cách thoải mái. Thậm chí không được tận hưởng bữa ăn một cách lành mạnh mà không nghe những lời hối thúc của cô giáo.
Trong một lần ăn trưa cùng một cô giáo người Nhật – từng là cố vấn cho trường mầm non kiểu Nhật tại Việt Nam, mình hỏi cô: “Cô có thấy điều khác biệt giữa giáo dục mầm non ở Việt Nam và Nhật Bản hay không?“
Dưới đây là vài ý mình xin phép được trích dẫn từ cuộc trò chuyện ấy:
“Thứ nhất, ở Việt Nam giáo viên khắt khe hơn và luôn bắt trẻ phải vâng lời. Tôi chẳng thể quên hình ảnh những đứa trẻ vòng tay trước ngực khi làm việc gì khiến cô giáo không hài lòng. Ở Nhật, có vẻ các cô dịu dàng hơn với những lỗi lầm của trẻ. Đôi khi, các cô xem sự nghịch phá hay không vâng lời của trẻ con là điểm mạnh và sự dễ thương của chúng.
Thứ hai, trường không có giá trị cốt lõi dành cho trẻ, thậm chí ngay cả giáo viên họ cũng không hiểu được tinh thần giáo dục của người Nhật là như thế nào? Vậy nên, tất cả chỉ là bề nổi bên ngoài để phụ huynh tin tưởng mà thôi. Chính điều này khiến tôi không thoải mái và quyết định rời Việt Nam trở về Nhật Bản.
Thứ ba, ở Việt Nam trẻ phải học quá nhiều, trong khi thời gian vui chơi lại quá ít. Trẻ không có sự cân bằng giữa học và chơi để giải phóng năng lượng, phục hồi sức khỏe tinh thần.
Tôi không muốn so sánh chất lượng giáo dục mầm non giữa hai nước vì đặc thù văn hóa. Tuy nhiên, điều quan trọng với một đứa trẻ mầm non khi đến trường chính là niềm vui và sự hạnh phúc. Nhưng, tôi nhận thấy những đứa trẻ ở Việt Nam dường như ít có được điều đó so với trẻ em Nhật Bản.
Thứ tư, các bữa ăn trong trường cũng bị chi phối bởi những quy định của Bộ Giáo dục về dinh dưỡng học đường. Ở Việt Nam vẫn còn áp dụng chương trình sữa học đường. Và đôi khi việc uống sữa là bắt buộc. Trong khi ở Nhật, sữa không phải là thực phẩm bắt buộc, và không phải bữa ăn nào cũng có.
Ngoài ra, trường cũng chịu chi phối bởi tâm lý phụ huynh, mong cầu nhiều hơn về chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Vì lẽ đó, ăn uống cũng là một trong những mục tiêu và cam kết được chú trọng. Các cô giáo gắng sức để hoàn thành những bữa ăn trong ngày, có thể là dỗ dành, dọa nạt hay thậm chí là những biện pháp tiêu cực hơn.
Điều này thật sự là cú sốc lớn với tôi.
Một là, việc ăn uống chiếm quá nhiều thời gian trong ngày. Một bữa phụ ở Việt Nam tương đương một bữa chính ở Nhật. Không phải ở Nhật không chú trọng dinh dưỡng, mà là nếu ăn quá nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học, chất lượng vận động và cả cảm xúc của trẻ.
Hai là, giáo dục dinh dưỡng ở trường học Nhật Bản là dạy trẻ về văn hóa giao tiếp trên bàn ăn, cung cách trong bữa ăn, sự biết ơn và trân quý thức ăn cũng như tôn trọng nhu cầu ăn uống của trẻ. Cô giáo không cần can thiệp để trẻ hoàn thành bữa ăn. Tôi nghĩ trẻ sẽ hạnh phúc hơn nếu được ăn theo nhu cầu của mình. Khi trẻ được tôn trọng, trẻ sẽ hạnh phúc….”
Bạn suy nghĩ gì về những cảm nhận của cô giáo người Nhật?
Nếu có dịp đến thăm trường chúng mình ở Nhật, bạn sẽ cảm nhận được trường học hạnh phúc thật sự là như thế nào. Mỗi ngày trôi qua, trẻ được tự do lựa chọn hoạt động mình muốn tham gia, lựa chọn giờ học, lựa chọn trò chơi và ngay cả nhóm chơi không phân biệt độ tuổi. Không có đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau, không có đứa trẻ nào bị hối thúc để làm điều gì đó thật nhanh. Trẻ có thể tự học cách kỷ luật mà không lo sợ đòn roi, những lời mắng chửi, miệt thị hay những lời hứa hẹn tán dương của người lớn.
Ở đây chẳng có một câu mệnh lệnh nào của giáo viên cả, nên sẽ chẳng có gì lạ nếu bạn không nghe thấy tiếng nói của giáo viên mà chỉ có tiếng bọn trẻ đùa vui, tiếng nhạc đệm xen lẫn mỗi lúc chuyển giao, tiếng khóc đòi mẹ của những em bé mới đến,..
Chúng mình luôn đặt bản thân vào vị trí của mỗi đứa trẻ để tìm cách giúp chúng có cảm giác thỏa mãn trong mọi cảm xúc. Chúng mình sẵn sàng Follow the child (Đi theo trẻ) và Let the child lead (Để trẻ dẫn đường) cũng như chấp nhận tất cả những tình huống không mong đợi có thể xảy ra.
Giáo dục mầm non cũng giống như cầm ngọn đuốc, nó có thể thắp sáng hoặc phá huỷ cuộc đời mỗi con người. Mình mong những ai đã và đang làm giáo dục hãy là người cầm đuốc có trách nhiệm và trung thành với những gì mà bản thân đã đề ra ban đầu. Trường học hạnh phúc không chỉ cần khẩu hiệu, trẻ em hạnh phúc cần nhiều sự bao dung từ trái tim của thầy cô.