“Có rất nhiều người trẻ lớn lên, trưởng thành nhưng không cảm nhận được sự ấm áp từ cha mẹ của họ.” – Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ – Đặng Hoàng Giang.
Trong hành trình nuôi dạy con trẻ, mình luôn nhận thức rõ ràng vai trò của “gia đình” đối với quá trình trưởng thành của con. “Gia đình” không chỉ là nơi che nắng, che mưa mà còn là nơi luôn mang đến sự ấm áp cho con khi trở về, là nơi dù con “thất bát hay vang danh” vẫn sẽ luôn dang rộng cửa chào đón. Và mình tin rằng chính sự ấm áp “gia đình” mang lại sẽ nuôi dưỡng sự tự tin, tình yêu và tính cách của con khi trưởng thành.
Nội dung bài viết
ToggleĐứa trẻ nào cũng từng tè dầm ít nhất vài lần trong đời!
4 giờ sáng, mình thức giấc vì tiếng gọi ngọt ngào phát ra bên cạnh. “Mẹ ơi, con ướt quần rồi.”
Mình bật dậy như phản xạ để lấy khăn lau chỗ ướt trong khi đợi chồng mình lấy bộ quần áo mới cho con. Thằng bé với khuôn mặt còn ngái ngủ, mắt nheo lại, nhăn hai hàm răng cười với mình.
Mình cũng cười lại: “Con nhắm mắt ngủ tiếp đi, còn sớm lắm.”
Thằng bé ngoan ngoãn nằm xuống. Khi mình đón lấy bộ quần áo sạch từ tay chồng, mình nói “Cảm ơn”, thằng bé cũng mở mắt và the thé nói “Cảm ơn” ba mình.
Chồng mình xoa đầu thằng bé: “Yoo Katta ne, Ma chan!” (Tạm dịch: Tốt hơn rồi con trai!)
Khi mình giúp con mặc quần áo. Thằng bé nhắm mắt nhưng vẫn phối hợp đưa hai tay lên cho mẹ mặc đồ. Nó lại cười nhưng mắt chẳng mở nổi vì buồn ngủ.
Mình tự hỏi nụ cười này có ý nghĩa gì? Có phải thằng bé cười vì xấu hổ không? Có phải con biết việc “tè dầm” là kỳ cục nên cười để giảm bớt căng thẳng không?
Một đứa trẻ 3 tuổi cũng hiểu được nụ cười có thể xoa dịu những căng thẳng sao? Mặc dù mình và chồng chưa bao giờ than phiền về việc các con tè dầm cả. Có ai hồi nhỏ không có ít nhất một lần tè dầm đâu. Vậy tại sao không chọn cách tích cực để khuyến khích con mà lại than phiền , trách mắng để con phải cảm thấy xấu hổ cơ chứ?
Nguyên tắc nuôi dạy con của chúng mình luôn là: “Dù con có thế nào, thành công hay thất bại, ba mẹ vẫn luôn ở bên cạnh đồng hành, giúp đỡ và yêu thương con vô điều kiện.”
Ngay cả người lớn chúng ta còn không hoàn hảo vậy tại sao chúng ta lại luôn yêu cầu những đứa trẻ không được phép thất bại. Và khi đứa trẻ gặp phải những thất bại đầu đời, thay vì trao đổi nhẹ nhàng để con có thể nhận ra lỗi sai và không lặp lại nữa thì có nhiều ba mẹ lại dùng cách than phiền. Điều này không chỉ làm suy giảm sự tự tin của con mà còn khiến con mất động lực để tiến lên.
Và với câu chuyện của mình ở trên, chúng mình không nói với con rằng: “Con đã tè dầm hôm nay đấy!”, mà nói: “Hôm nay con đã gọi mẹ dậy sau khi tè trong quần. Nếu con không gọi hoặc mẹ không phát hiện ra thì con có thể bị lạnh và mẹ không thể vệ sinh ga giường kịp thời rồi. Hôm sau, con cố gắng gọi ba hoặc mẹ sớm hơn để giúp con đi vệ sinh nha.”
Mặc dù cả hai cách nói đều sẽ không thể giúp con không bao giờ tè dầm nữa, nhưng cách nói thứ hai sẽ giúp con tự tin vào bản thân và tin tưởng vào sự đồng hành của ba mẹ. Quan trọng hơn hết chính là con sẽ không bao giờ giấu giếm mẹ khi con lỡ tè dầm hay lỡ phạm bất kỳ lỗi nào khác. Vì con biết rằng “Ba mẹ luôn đánh giá cao khi con nói sự thật.”
Gia đình là nơi ấm áp duy nhất mà con có thể trở về sau bao mệt mỏi ngoài kia, là nơi duy nhất con tin rằng mình luôn được dung thứ để nuôi dưỡng cảm giác tích cực về bản thân. Để từ đó, con có thể mang sự ấm áp cho người khác, làm vốn sống khi trưởng thành. Một người chưa bao giờ cảm nhận được sự ấm áp thì làm sao biết được cảm giác đó như thế nào đúng không?
Tè dầm – Lời thú tội….
Nhiều người mẹ mình có dịp tiếp xúc luôn bảo rằng không kiềm chế được cảm xúc tức giận khi con làm sai hoặc chỉ vì con tè dầm dù đã đánh mắng hết lần này đến lần khác.
Có mẹ nói với mình, họ đã chế nhạo, trêu chọc con khi con tè dầm vì nghĩ rằng nếu con xấu hổ sẽ không tè dầm nữa. nhưng không, điều đó khiến con tệ hơn.
Một người mẹ khác nói: “Ngày tôi còn nhỏ, tôi cũng lỡ tè dầm dù chẳng hề muốn. Đêm nào tôi cũng mơ rằng mình đi toilet, nhưng rồi tè trong quần. Lúc đó tôi bị đánh, mắng chửi thậm tệ. Lúc đó thật cô đơn, bất lực, thậm chí đau đớn nữa… Chỉ ước gì có ai đó hiểu mình. Và chuyện đó mãi sẽ là chuyện buồn của tôi cho đến ngày hôm nay. Khi tôi đã trở thành một người mẹ…”
Một người đàn ông lớn tuổi nói: “Dù các con tôi đã trưởng thành, nhưng nhớ lại những lần tôi đánh con vì con lỡ tè dầm, tôi lại thấy ân hận”
Trẻ con dưới 10 tuổi thường ngủ ngon giấc và tè dầm là điều hiển nhiên. Chúng ta làm đúng vì chúng ta có bộ não của người trưởng thành điều khiển. Trẻ con thì không. Con cái chỉ đang nương nhờ chúng ta một đoạn đường ngắn ngủi, thì những lỗi sai này có đáng là bao ?
Chúng ta luôn muốn con mình trở thành những đứa trẻ không chỉ có IQ xuất sắc mà còn phải có EQ cao. Chúng ta tìm mọi cách từ thông tin trên Internet cho đến sách vở để nuôi dưỡng EQ cho con. Nhưng thực tế, phương pháp phát triển EQ tốt nhất chính là thông qua cách ứng xử hằng ngày của chúng ta với con trẻ, sự bao dung từ chính ba mẹ, người chăm sóc. Chính bản thân trẻ còn không cảm nhận được thì làm sao có thể đem đến cảm giác đó cho người khác đúng không?
Người có EQ cao luôn là người quan tâm đến cảm xúc của người khác. Và con trẻ tiếp thu nó từ chính ba mẹ, người chăm sóc và ở bên chúng mỗi ngày mà thôi.
Bạn có đồng ý với quan điểm này? Cùng My chia sẻ để bóc tách và bình luận để có cái nhìn rộng hơn ba mẹ nhé!
>>> Đọc thêm bài viết “Không có đứa trẻ EQ thấp, chỉ có ba mẹ chưa rèn con đúng cách”
“Lòng khoan dung giống như cơn mưa phùn trên bầu trời làm dịu trái đất, nó ban phước cho người bao dung và cũng ban phước cho người được bao dung.” – trích từ vở kịch “Người lái buôn thành Venice” của Shakespeare