Ba mẹ nào mà chẳng yêu thương và mong muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con. Tuy nhiên, ngay cả yêu thương cũng phải học cách, nếu không nó sẽ trở thành một gánh nặng. Đơn cử việc ba mẹ nuông chiều con hết mực, mặc con muốn làm gì thì làm nhưng lại tin rằng đó chính là tôn trọng con như một cá thể độc lập. Vậy làm thế nào để tôn trọng con đúng cách? Đâu là ranh giới giữa tôn trọng và nuông chiều con?
Mỗi dịp nghỉ lễ, vợ chồng mình luôn đưa ra những hoạt động để các con chọn lựa và tham gia. Hôm ấy, mấy đứa nhỏ chọn đi Viện bảo tàng hải dương học, sau đó sẽ về khách sạn tắm hồ bơi, rồi tắm onsen và ăn tối.
Tuy nhiên, khi vào bảo tàng, tụi nhỏ lại quá mức hứng thú với các loài động vật nên cứ nằng nặc đòi ba mẹ cho đi xem lại một vòng rồi một vòng, và xem tất cả các chương trình biểu diễn hải cẩu, cá heo, chim cánh cụt hoặc cá trích,…
Tụi mình chỉ đơn giản cho rằng, thật tốt khi con có niềm đam mê với động vật, vậy nên chấp nhận những yêu cầu của con. Kết quả là, hôm đó gia đình đã không còn thời gian đi hồ bơi như dự kiến.
Khi về đến khách sạn, con bé Hana giãy khóc vì không được đi bơi như kế hoạch. Mình cố gắng dỗ con, và giải thích cho con rằng vì thời gian ở bảo tàng quá lâu nên không còn thời gian cho việc đi bơi nữa. Khi con lựa chọn cái này, con phải đánh đổi bằng một cái khác.
Con bé càng khóc to hơn: “Con muốn lựa chọn cả hai. Con không muốn đánh đổi.”
Chồng mình đến bên con bé:
“Hana thích tắm hồ bơi nhỉ? Hồi ở Việt Nam ngày nào nhà mình cũng tắm hồ bơi. Hana tắm nhiều tới mức mà bị cháy nắng luôn. Ba thấy các con khỏe lắm…”
Con bé dần nín khóc, và tiếp vào câu chuyện của ba. Cả anh hai và em Chiêu Hoà cũng thi nhau kể về kỷ niệm trong chuyến đi Việt Nam. Thế là tụi nhỏ hết khóc và chấp nhận sự thay đổi.
Quan sát cách nói chuyện của chồng với các con, mình nhận ra rằng: Đôi khi mình không la mắng, không giận dữ nhưng cuộc đối thoại của mình với các con vẫn không thành công bởi vì mình thiếu sự ghi nhận cảm xúc và kết nối với con. Mình chỉ cố dỗ dành và giải thích để sửa lỗi. Tuy nhiên, với chồng mình thì khác, anh chấp nhận cảm xúc muốn đi hồ bơi của con, sau đó kết nối với con bằng một câu chuyện mà cả nhà cùng trải qua ở Việt Nam.
Không có lời giải thích sai hay đúng.
Không chữa lỗi.
Cũng không chiều ý con để êm xuôi mọi chuyện.
Mình nghĩ đây chính là sự tôn trọng.
Nếu trong tình huống này, tụi mình thỏa hiệp mong muốn của con dù thời gian không cho phép thì ngược lại đó chính là chiều chuộng.
Trong hành trình nuôi dạy con trẻ, có vô số những tình huống mà con cái đòi hỏi từ cha mẹ chẳng hạn như “Mẹ ơi, cho con xem tivi thêm một chút nhé”, “Mẹ ơi, cho con chơi game thêm một chút nha”, “Mẹ ơi, mẹ mua cho con đồ chơi mới nha”,…
Không phải yêu cầu nào của trẻ cũng có thể chấp nhận thỏa hiệp. Nhưng nếu không thỏa hiệp thì phải từ chối con thế nào mà vẫn đảm bảo rằng con cảm thấy mình được tôn trọng.
Nội dung bài viết
ToggleChấp nhận cảm xúc của trẻ
Cảm xúc không có lỗi mà chỉ là cách con học để thể hiện bản thân mình. Do đó, dù là trẻ sơ sinh cũng cần được tôn trọng cảm xúc. Ba mẹ phải cho trẻ biết rằng cho dù là cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc, ganh tị, hay cáu bẳn thì con luôn có ba mẹ bên cạnh lắng nghe và thấu hiểu.
Không có cảm xúc xấu hay tốt, chỉ có phản ứng của ba mẹ thế nào trước cảm xúc đó mà thôi. Trẻ con sẽ học cách thể hiện cũng như kiểm soát cảm xúc thông qua việc được chấp nhận mọi cảm xúc. Ba mẹ cần thể hiện sự đồng cảm với cảm xúc của con: “Ba mẹ biết con đang cảm thấy buồn/ giận dữ/ thất vọng…. vì không được…..Thật khó chịu nhỉ”.
Ba mẹ có thể đọc thêm bài viết “Không có đứa trẻ EQ thấp…” tại đây
Sau đó là…
Kết nối với con bằng một câu chuyện, bằng kỷ niệm liên quan dù vui hoặc buồn
Gợi nhắc lại một câu chuyện, một kỷ niệm giúp con hồi tưởng lại cảm xúc tích cực của mình. Và là cách để ba mẹ kết nối với con. Có thể đặt thêm các câu hỏi xoay quanh tình huống đã qua để con trả lời và tự tìm ra giải pháp.
Ngay sau khi vượt qua đỉnh của cảm xúc, con được xoa dịu và tiếp tục:
Đưa ra một giải pháp thay thế mà cả ba mẹ và con đều cảm thấy hài lòng
Đối với trẻ mầm non, khi trẻ đưa ra yêu cầu đối với ba mẹ. Đôi khi thứ con cần thực sự không phải là món đồ, mà chính là sự quan tâm, là thái độ, là cách hành xử của ba mẹ. Kỹ năng làm cha mẹ phụ thuộc vào cách chúng ta giải quyết các tình huống như vậy. Khi chúng ta giận giữ với cảm xúc của con, có nghĩa là cuộc giao tiếp đã thất bại. Hoặc chúng ta đáp ứng mọi mong muốn của con, cũng có nghĩa là chúng ta đã chiều chuộng.
Nếu mọi sự vòi vĩnh đều được chấp nhận thì trẻ sẽ cho rằng chỉ cần khóc lóc thì mọi thứ sẽ được đáp ứng. Hoặc nếu sự vòi vĩnh đó khiến ba mẹ tức giận thì trẻ cũng sẽ tăng thêm những đòi hỏi tương tự để thu hút chú ý tiêu cực từ ba mẹ.
Tôn trọng không có nghĩa là thỏa hiệp. Tôn trọng chính là sự công nhận mọi cảm xúc của trẻ, và giúp trẻ tự điều hướng cảm xúc tiêu cực, giận dữ của bản thân.
Mọi cảm xúc của trẻ không có lỗi. Con trẻ cần thời gian để trưởng thành và hiểu được khái niệm về thời gian và sự đánh đổi.
Cách chúng ta giải quyết vấn đề với con hôm nay chính là cách con giải quyết vấn đề với xã hội khi trưởng thành. Dù lựa chọn cách giải quyết nào thì chính chúng ta cũng đang lựa chọn sự đánh đổi cho tương lai và mối quan hệ của con sau này ba mẹ nhé!