“Tất cả những gì người lớn dạy dỗ đều đúng về mặt lý thuyết, bọn trẻ đều thấy vậy. Nhưng bọn chúng vẫn có một sự thôi thúc vô hình làm cho khác đi trong thực tế. Chẳng qua so với người lớn, trẻ con sống trong một bầu khí quyển khác nhau và dưới một thứ ánh sáng khác. Ở đó, bọn trẻ tiếp cận thế giới theo cách của chúng, nghĩa là chúng không nhìn thấy mọi thứ chung quanh dưới khía cạnh sử dụng. Đó là điểm khác biệt căn bản giữa trẻ con và người lớn. Với người lớn, ý nghĩa và giá trị của mọi thứ trên đời đều thu gọn vào hai chữ chức năng. Bạn lật bất cứ một cuốn từ điển nào của người lớn mà coi. Người ta định nghĩa thế giới này bằng chức năng, và chỉ bằng chức năng.”
Trích từ quyển sách “Cho tôi xin một vé về tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh
Dường như nhiều người lớn đã quên mất việc hỏi bọn trẻ rằng chúng nghĩ như thế nào? Họ dùng “quyền người lớn” để ngăn cản hành vi và quyết định của trẻ. Khi trẻ còn nhỏ, người lớn quyết định thay cho chúng mọi việc, cố gắng uốn nắn trẻ theo hướng đi mà mình mong muốn, làm những việc mà họ nghĩ là điều tốt nhất cho trẻ nhưng họ lại mong rằng khi trẻ lớn lên sẽ có tự chủ, có tư duy độc lập.
Phải chăng chính chúng ta đã “giết chết” tính tự chủ trong suy nghĩ và hành động của bọn trẻ từ trong trứng nước, đã “cướp đi” của trẻ rất nhiều thứ: sự kiên cường, khả năng vượt khó, giải quyết vấn đề,…?
Khi viết những dòng này, mình bất chợt nhớ về câu chuyện của một cậu bé học sinh trường mình.
“Vào một ngày trời mưa tầm tã, xe buýt đón các bé đỗ trước trường, khi tất cả các bạn nhỏ lần lượt bước vào trong thì chỉ mỗi một cậu bé không vào lớp. Cậu bé đi trong mưa với chiếc ô của mình, di chuyển chầm chậm từ ống xối này đến ống xối khác, mặc cho nước chảy ào ào trên chiếc ô nhỏ. Người cậu ướt sũng. Nhưng cô giáo không vội gọi cậu vào trong, cũng chẳng khuyên cậu là “Con sẽ ốm mất nếu bị lạnh”. Cô chỉ bước đến cạnh cậu và hòa vào cảm xúc của cậu. Cô trò chuyện cùng cậu, hỏi cậu về những điều bản thân muốn làm, những bạn cậu muốn chơi cùng, nơi cậu muốn đến,…
Cuộc trò chuyện kéo dài khoảng hai mươi phút, sau đó, cậu cũng chịu vào lớp, thay quần áo và bắt đầu ngày học mới như bao ngày bình thường khác, như chưa từng có một cuộc trò chuyện diễn ra dưới mưa nào.”
Khi mình kể câu chuyện này, nhiều người sẽ cho rằng chỉ vì một học sinh mà cô tốn thời gian như thế, nếu những em bé khác cũng làm theo thì cô giáo làm sao giải quyết được đây? Hoặc khi có bé nào chạy nhảy trong lớp nhưng nếu cô giáo không ngăn lại, những bé khác cũng bắt chước làm theo như vậy thì cô sẽ làm như thế nào?
Câu trả lời rất đơn giản: Mọi vấn đề đều tìm được giải pháp khi giáo viên biết tôn trọng chính kiến của trẻ và không ngừng cố gắng thu hút sự hứng thú của trẻ trong giờ học bằng sự khéo léo của mình.
Nuôi dạy những đứa trẻ tự chủ, có chính kiến là cho phép trẻ đi ngược lại các quy chuẩn của người lớn. Và người làm giáo dục là người tìm giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất để giúp trẻ phát triển. Nếu như chỉ đơn thuần tuân theo những lề thói xã hội của người lớn thì họ đơn giản chỉ là một người giữ trẻ thuần tuý mà thôi.
Trẻ sẽ tham gia vào hoạt động nếu giáo viên có thể khơi gợi sự hứng thú từ trẻ (trừ những trẻ có vấn đề đặc biệt). Nếu như trẻ không muốn tham gia thì vấn đề chẳng phải nằm ở chúng mà là do giáo viên chưa biết cách xây dựng sự tin tưởng cũng như chưa tạo được sự hứng khởi kích thích ý chí tự chủ ở trẻ: “Tôi cũng muốn làm”. Như câu chuyện ở trên, cô giáo ấy đã tôn trọng quyết định của cậu bé, kiên nhẫn kết nối và lắng nghe những câu chuyện nhỏ vụn vặt của cậu, cho cậu thấy giờ học sẽ vui vẻ thế nào và mong đợi sự tham gia của cậu.
Mình tin rằng “Quyết định nhỏ hôm nay tạo nên quyết định lớn ngày mai”
Chỉ khi nào trẻ tự đưa ra quyết định và được người lớn tôn trọng những quyết định ấy thì trẻ mới học được cách đưa ra những quyết định lớn hơn trong tương lai.
Nếu người lớn chúng ta cứ mãi dùng đến “quyền người lớn” để kiểm soát cuộc đời của con trẻ, biến bọn trẻ thành phiên bản những gì chúng ta mong đợi thì đến cuối cùng chúng ta chỉ nhận được những đứa trẻ đã mất đi khả năng tự chủ, không biết mình thích gì, không biết mình muốn làm gì, ngay cả những quyết định quan trọng cho chính cuộc đời chúng cũng bị phụ thuộc vào người khác.
Làm cha mẹ – giáo viên – người dẫn dắt của thế hệ alpha, chúng ta nên thật sự nghiêm túc “cởi trói” cho trẻ, “xây dựng” cho trẻ một bộ não kiên cường, sẵn sàng đón nhận những thách thức mới.
Cho trẻ tự do – Tự do tạo nên sự tự chủ – Tự chủ quyết định tương lai…
Ba mẹ có thể theo dõi những bài viết khác của Hamy tại đây nhé!