Chắc hẳn bậc làm cha làm mẹ ai cũng mong con mình ngoan ngoãn, nghe lời, gọi dạ bảo vâng. Người lớn chúng ta luôn cho rằng có được những đứa trẻ ngoan là điều vô cùng tuyệt vời vì không cần phải phiền lòng bởi sự nghịch ngợm, ương bướng của con trẻ. Nhưng, tiêu chí nào để đánh giá một đứa trẻ là ngoan hay không? Phía sau một đứa trẻ ngoan là một gia đình như thế nào?
Theo các nhà tâm lý học, việc luôn đòi hỏi sự vâng lời từ đứa trẻ sẽ “cướp” đi khả năng tự tư duy, đưa ra quyết định của chúng khi trưởng thành. Và theo một nghiên cứu của tiến sĩ Laura Markham – Nhà Tâm lý học Lâm sàng tại Đại học Columbia, đồng thời là tác giả cuốn sách “Rèn cha trước khi rèn con” chỉ ra rằng:
“Những đứa trẻ ngoan ngoãn ít có khả năng đứng lên bảo vệ bản thân và dễ bị lợi dụng hơn khi trưởng thành. Chúng có xu hướng chỉ làm theo mệnh lệnh mà không thắc mắc cũng như không có ý thức trách nhiệm cao về hành động của mình.”
Một đứa trẻ hạnh phúc là một đứa trẻ được ba mẹ cho phép phạm sai lầm
Mình xin chia sẻ vài mẩu chuyện nhỏ về mấy đứa nhóc nhà mình.
Chuyện thứ nhất…
Một hôm, trong bữa cơm tối, con bé Hana nhà mình không chịu ngồi ăn đàng hoàng. Nó vừa ăn vừa nằm trên ghế mặc cho chồng mình đã nhắc nhở vài lần. Rồi khi muốn ngồi dậy, nó đưa tay nắm lấy cạnh bàn nhưng lại bất cẩn quơ phải nước chén canh cá.
Nước canh bắn tung toé, chẳng may dính vào mắt con bé.
Con khóc thét vì cay mắt.
Chồng mình ngay lập tức bế con vào nhà vệ sinh và rửa mặt cho con bé.
Những tưởng sau đó chồng mình sẽ mắng con bé hoặc răng dạy cho nó bài học.
Nhưng không, lúc thay đồ hai cha con vẫn cười đùa như chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Mình cũng chẳng nghe bất kỳ lời phàn nàn nào kiểu như “Ba đã nói rồi thấy chưa, ăn uống phải nghiêm túc chứ” từ cha của chúng. Chồng mình chỉ cười và nói với con bé: “びっくりねはなちゃん” (Bikkuri ne Hana chan = Giật mình luôn phải không Hana).
Thay xong quần áo, hai cha con lại tiếp tục ăn. Nhưng con bé lại tiếp tục nghiêng đầu kê lên chén nước mắm. Mình thì theo phản xạ tự nhiên nói lớn: “Nữa hả, Hana chan?”
Chồng mình cũng bắt chước nói theo với cái giọng lơ lớ của người ngoại quốc: “Nhữa hả…?”
Thế là cả nhà có một tràng cười và bữa ăn kết thúc trong không khí vui vẻ.
Chuyện thứ 2...
Một buổi chiều mùa hè, khi mình đang chuẩn bị ra ngoài ăn tối thì có tiếng chuông cửa. Chồng mình ra mở cửa, đó là cô hàng xóm với túi dâu tây trên tay.
Cô nói đó là dâu tây con gái cô thu hoạch ở trường nên muốn đem tặng cho mấy đứa nhỏ. Mình đón lấy túi dâu và nói cảm ơn. Sau đó, cô ấy từ tốn nói: “Xin lỗi vì làm phiền, nhưng cái cửa kính phía nhà tôi bị vỡ. Tôi nghĩ là do một viên đá… Con gái tôi nói mấy ngày trước có thấy bé trai nhà chị đã cầm đá vứt sang…”
Hai vợ chồng mình nghe xong thì đều sửng sốt nhìn nhau, rồi ríu rít xin lỗi cô hàng xóm vì sự việc đáng tiếc đó.
Sau khi cô hàng xóm rời đi, chồng mình gọi cậu cả lên hỏi: “Ba nghe cô hàng xóm bảo là cái cửa kính nhà cô bị vỡ. Con có biết chuyện gì đã xảy ra không?”
Con trai mình suy nghĩ một lúc lâu, rồi nói: “Hôm trước con đã vứt đá sang đó. Con muốn ném vào thùng ở phía sau nhà”. (Đó là thùng chứa nhiên liệu phục vụ cho bếp ga và lò sưởi ở Nhật).
Mình nghe xong mà điếng cả người.
Nếu bể thùng nhiên liệu thì hậu quả cực kỳ nghiêm trọng chứ không chỉ đơn giản là cái cửa kính. Nhưng, chồng mình vẫn bình tĩnh. Sau khi giải thích về hậu quả, chồng mình hỏi cảm giác của thằng bé như thế nào.
Con trai: “Con sợ”
Chồng mình: “Vậy bây giờ con nghĩ là mình có thể làm gì?”
Con trai: “Con nghĩ mình phải đi xin lỗi hàng xóm”
Chồng mình: “Ờ, con có muốn ba đi cùng con không?”
Con trai: “Con muốn đi cùng ba”
Rồi hai ba con cùng sang nhà hàng xóm nói lời xin lỗi. Từ đó, thằng bé cũng không bao giờ dùng đá ném ở ngoài nữa. Chồng mình cũng không nhắc lại chuyện đó nữa.
Ngoài ra còn có ti tỉ những mẩu chuyện nghịch phá khác của tụi nhỏ như bỏ tai nghe không dây của mình vào máy rửa chén, cho bút sáp màu vào máy giặt, hoặc dùng đá vẽ trên xe ô tô của mình,…
Nói không có chút tức giận nào thì không đúng, nhưng trên hết mình hiểu rằng đó là vì sự vụng về, sự tò mò với mọi thứ xung quanh của một đứa trẻ con. Và mọi đứa trẻ trên thế giới này đều như thế.
Vậy tại sao chúng ta không học cách chấp nhận điều đó?
Quan điểm giáo dục của vợ chồng mình dù trong gia đình hay trường học đều là luôn chấp nhận những sai lầm của trẻ. Chấp nhận tất cả sự hiếu kỳ, vụng về, thiếu kinh nghiệm, và cả sự bướng bỉnh thiếu thiện chí của trẻ. Là một phụ huynh đồng thời cũng là một giáo viên, tụi mình không đặt quá nhiều kỳ vọng lớn lao ở trẻ. Chúng mình không dạy con để trở nên ngoan ngoãn – mà là dạy con tin thần hợp tác.
Hợp tác để có giờ ăn vui vẻ,
Hợp tác để có giờ học hạnh phúc.
Và khi đó, trẻ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, được đối xử công bằng với vị thế của người lớn.
Ai trong chúng ta cũng đều có đôi lần vấp ngã, Ai trong chúng ta cũng đã từng là trẻ con. Cách chúng ta được đối xử ở những vấp ngã đầu đời định hình nhân cách của chúng ta lớn lên sau này. Và điều đó sẽ tiếp nối ở các thế hệ con, cháu của chúng ta trong tương lai. Ngay cả khi đã là người lớn, chúng ta vẫn có những quyết định sai lầm đấy thôi.
Chúng ta chọn sai trường học.
Chúng ta chọn sai bạn đời.
Chúng ta chọn sai sự nghiệp.
Vậy thì tại sao lại muốn một đứa trẻ luôn phải sống hoàn hảo?
Mình không mong con ngoan.
Mà chính mình sẽ học cách cư xử “ngoan” trước mặt con và đề xuất sự hợp tác tích cực từ chúng.
Mình tin rằng: Khi đứa trẻ được cư xử tử tế, đứa trẻ sẽ nuôi dưỡng lòng trắc ẩn bên trong mình và ngược lại.