Với tư cách là phụ huynh, bạn có dám tự tin khẳng định rằng bản thân chưa bao giờ nổi giận với con? Bạn luôn là một bà mẹ thiên thần, không bao giờ lớn giọng với con trong bất kỳ tình huống nào?
Trong một cuộc khảo sát nhỏ gồm 150 người mẹ trong nhóm “Dạy con không đòn roi”, có đến 79 người trả cho rằng họ không kiềm chế được cảm xúc giận dữ, mất bình tĩnh và hay nổi nóng với con mình. Tức hơn 50%, nhưng mình nghĩ con số này chỉ là khiêm tốn vì thực tế có thể nhiều hơn.
“Bạn không cô đơn” nếu bạn là mẹ nóng tính. Mình cũng không ngoại lệ.
Đây là tình huống mà mình đã không kiểm soát được cảm xúc với con.
Khi cậu bé Takeshi – con trai lớn của tôi lúc 3 tuổi rưỡi, thằng bé cầm một chai thuốc tẩy đưa đến trước mặt cô em gái và bảo rằng “Đây là mật ong”. Sau đó, thằng bé định tháo nắp chai để đưa cho em gái thì mình nhìn thấy và hét lên thất thanh vì sợ hãi. Mình chạy nhanh đón lấy cái chai và nói lớn tiếng: “Con làm gì vậy hả? Con có biết cái này nguy hiểm không?”
Thằng bé vì quá hoảng sợ bởi cơn thịnh nộ của mẹ, nước mắt chảy dài… Khi nhìn thấy những giọt nước mắt của con, mình bối rối và nhận ra mình đã vượt quá giới hạn . Mình trấn an thằng bé: “Mẹ xin lỗi, mẹ không cố ý quát con nhưng vì mẹ thấy con cầm cái chai đó rất nguy hiểm nên mẹ mới cảm thấy tức giận. Mẹ không muốn hai đứa gặp vấn đề về sức khỏe”. Sau khi nghe mẹ giải thích, thằng bé vẫn khóc, thậm chí khóc to hơn vì oan ức. Mình ôm con vào lòng, an ủi và xin lỗi con.
Lý do không kiềm chế cảm xúc với con và giải pháp để ba mẹ kiểm soát cảm xúc
Mình tự hỏi tại sao bản thân là người lớn mà lại dễ dàng bị cảm xúc chi phối như vậy? Tại sao sau khi ngăn hành động của con lại mình không ngồi xuống giải thích cho con hiểu rằng điều đó là nguy hiểm cho con mà thay vào đó là quát nạt thằng bé? Tại sao mình luôn nói yêu con, thương con mà lại dễ dàng dùng lời nói tổn thương cảm xúc của con như vậy?
Những câu hỏi này cứ quẩn quanh trong đầu mình, mãi cho đến sau này khi đọc quyển sách “Nghịch lý tinh tinh” của tiến sĩ Steve Peters, mình mới biết rằng cách con người chúng ta cư xử phụ thuộc vào phần tâm trí mà họ điều khiển. Steve Peters cho rằng tâm trí con người có ba khía cạnh:
Phần thứ nhất là phần máy tính – phần dữ liệu gồm niềm tin và hành vi được nhập vào bởi những trải nghiệm trong quá khứ. Cách chúng ta được đối xử, những gì chúng ta nhìn thấy hoặc trải qua sẽ là dữ liệu định hình hành vi của chúng ta sau này. Cách chúng ta đang cư xử với con cái phản ánh cách chúng ta được đối xử và trải nghiệm khi còn bé.
Phần thứ hai là phần tinh tinh, nó chi phối cảm xúc của não bộ, quyết định hành vi dựa trên cảm xúc. Về cơ bản, bất kỳ hành động bốc đồng hoặc cảm xúc nào cũng có thể là kết quả của việc chúng ta đang bị chi phối bởi con tinh tinh bên trong mình.
Phần thứ ba là phần con người. Phần chúng ta suy nghĩ dựa trên logic và tư duy.
Mình đã áp dụng một phần kiến thức trong đó vào việc nuôi dạy con. Quyển sách giúp mình tìm được câu trả lời mà mình vẫn loay hoay bấy lâu cũng như giúp mình nhận diện ra vấn đề, thoát khỏi ổ lập trình của máy tính, hành động dựa trên yếu tố con người thay vì hành động theo sự bốc đồng của tinh tinh.
Do đó, để có thời gian làm dịu những cảm xúc tiêu cực, và định hình cách phản ứng hợp lý không gây tổn thương cảm xúc của con, mình tự đặt hàng tá câu hỏi trong đầu như: “Con tinh tinh trong mình đang như thế nào?”, “Con tinh tinh nói với mình điều gì?”,… Nghe thì có vẻ dễ nhưng nó đòi hỏi sự kiên trì luyện tập. Mình đã mất một thời gian dài để có thể thành công.
Tuy khó khăn nhưng không có nghĩa là không làm được. Những lần để “con tinh tinh” trong bản thân chiến thắng, mình đều tỉ mỉ ngồi suy ngẫm nguyên nhân và thành thật viết chúng ra giấy. Đó là cách mình tự nhắc nhở chính mình, giúp mình đối mặt với cách cư xử chưa đúng của bản thân và nỗ lực tìm cách xử lý phù hợp hơn thay vì để cơn giận dữ chi phối.
Có một mindset (ý thức) về làm cha mẹ mà mình luôn tự nhắc nhở bản thân: Tôn trọng con. Tôn trọng chính là kim chỉ nam cho mọi hành vi ứng xử của mình trước con cái. Cũng như tất cả các mối quan hệ khác, khi tôn trọng họ, chúng ta sẽ có những giới hạn, điều tiết và biết cách xử lý tình huống ôn hoàn hơn.
Với con cái cũng vậy. Khi bạn còn mất kiểm soát, là khi bởi bạn chỉ xem con như một đứa trẻ dưới quyền mình. Và bạn đang dùng quyền năng để nuôi dạy đứa trẻ, không phải là sự tôn trọng. Nhưng, bạn chỉ có thể sử dụng quyền này trong một thời gian nhất định mà thôi. Sẽ đến lúc, những đứa trẻ của bạn sẽ đứng lên và chống trả mọi cảm xúc tiêu cực của bạn, bằng chính cái cách mà bạn đối xử với chúng.
Giận dữ không phải là cách duy nhất. Khi bạn giận dữ có nghĩa là chỉ đang phát tiết những cảm xúc tiêu cực của bản thân thay vì cố gắng tìm giải pháp tốt hơn mà thôi.
Chúng ta, những bà mẹ lần đầu làm mẹ không tránh khỏi những sai sót.
Chúng ta được lập trình bởi những dữ liệu khó có thể tháo rời, khó có thể xóa bỏ từ cách cư xử của ba mẹ mình khi còn bé. Nhưng chúng ta có thể thay đổi để con cái chúng ta được “thu nạp” những dữ liệu tốt đẹp hơn.
Ai cũng có một “con tinh tinh” cố hữu bên trong mình nhưng nó có thể tồn tại và phát triển hay không là do chính thái độ của bạn quyết định.
Hãy cư xử với con như cách mà bạn từng mơ ước được ba mẹ cư xử với mình khi còn bé, bạn nhé!
Ba mẹ có thể đọc thêm những bài viết chăm sóc và nuôi dạy con khác của My tại đây, đừng quên để lại chia sẻ cho My biết nha!