Mình từng đọc một phát biểu của cô Phan Hồ Điệp (mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam) đề cập rằng: “Người nóng tính không phải vì cá tính mà vì có EQ thấp”. Ở Việt Nam có rất nhiều đầu sách liên quan đến việc phát triển EQ cho trẻ cũng như những bài báo chia sẻ về việc những đứa trẻ có EQ thấp sẽ có những biểu hiện gì, các cách giúp ba mẹ tăng chỉ số EQ cho trẻ,… Điều này khiến mình tự hỏi rằng: “Gán cho một đứa trẻ mầm non đang “bùng nổ” cảm xúc là một đứa trẻ EQ thấp thì có đúng hay không?”
Và “liệu từ “EQ thấp” có thể dùng cho một đứa trẻ hay không?”
Mình xin mạn phép chia sẻ câu chuyện của ba đứa trẻ nhà mình với hy vọng bạn sẽ có thêm góc nhìn mới về vấn đề này.
Một hôm, anh chồng mình đang ngồi đọc sách cùng ba đứa nhỏ thì Chiêu Hoà cứ khóc lóc và không chịu đọc như bình thường.
Bé lật thật nhanh trang sách, rồi đòi đổi sang quyển mới. Điều này khiến anh chị của Hòa cảm thấy khó chịu và phản đối hành động của bé.
Vậy là thằng bé oà khóc.
Mình và chồng đều biết là vì thằng bé đang trong giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 2”và vì buổi trưa Hòa không ngủ ở trường nên mới kiệt sức vào cuối ngày, dẫn đến việc cáu gắt và kiếm chuyện với những người xung quanh.
Tụi mình vẫn để ba anh em nói chuyện và thỏa hiệp trước với nhau như mọi khi.
Nhưng một hồi lâu, vấn đề vẫn chưa được giải quyết mà có vẻ còn căng thẳng hơn ban đầu, chồng mình mới nói nhỏ với hai bé anh chị:
“Nè hai đứa, Chiêu Hòa đang ở cái độ tuổi khó chiều và cáu kỉnh nhất. Lúc nào cũng “ya da – ya da” (không chịu, không thích), nghe khó chịu thật nhỉ? Papa cũng rất vất vả khi nghĩ cách trò chuyện với thằng bé đấy.”
Nghe xong, hai bé bắt đầu nới lỏng cơ mặt và nhìn vào thằng em trai “khỉ gió” đang gào khóc giữa nhà.
Chồng mình nói tiếp.
“Ngày xưa, Takeshi và Hana ở độ tuổi này cũng giống Chiêu Hòa bây giờ vậy đó. Nhưng giờ đây, các con đã là anh, là chị nên trưởng thành hơn nhiều rồi, không còn lúc nào cũng “ya da – ya da” như Chiêu Hòa nữa phải không?”
Hai anh em gật đầu đồng ý và nhìn Hòa đầy cảm thông.
Hana tiếp lời ba
“Ở trường em cũng thế, lúc nào cũng khóc đòi sợi dây của con và nói ‘muốn muốn’”.
Con có nói em là: “Em nói chị ơi, cho em mượn đi”.
Và sau khi em nói thì con nói “どうぞ” và cho em. (どうぞ (douzo) giống please trong tiếng Anh, trường hợp này có thể dịch là ”xin mời dùng”. Tuy nhiên, dịch như vậy nghe có vẻ trang trọng quá nên mình giữ nguyên từ tiếng Nhật)
Chồng mình: “Vậy sao, Hana thật là hào phóng. Con ra dáng một chị gái thực thụ rồi đấy. Bây giờ em khóc như thế thì chúng ta nên làm gì nhỉ?”
Anh hai Takeshi không nói gì, chạy đến chỗ em và đưa cuốn sách Chiêu Hòa thích.
“Chiêu Hòa thích đọc cuốn này không? Ba anh em mình cùng nhau đọc cuốn này đi”.
Nhưng, Hòa cầm cuốn sách và vứt luôn ra ngoài.
Takeshi nhìn em một cách buồn bã và đầy bất lực.
Lúc này, mình đến cạnh anh hai: “Cảm ơn con, Takeshi. Con thật hiểu em. Nhưng mẹ thấy có vẻ như thằng bé đang buồn ngủ quá nên giận dữ vô cớ đây. Vứt sách như vậy là không chấp nhận được. Để mẹ nói chuyện với em nha. Mẹ cảm ơn anh hai”.
Sau đó, mình bước đến chỗ Hòa, muốn ôm con vào lòng nhằm xoa dịu sự khó chịu nơi thằng bé.
Nhưng Hòa giãy nảy không chịu.
Tình hình căng thẳng đến mức có vẻ như không cứu vãn được nữa thì Hana đến gần Hòa và nói:
“Hòa mà khóc như thế thì không ai dỗ em được đâu. Phải khóc như này (con bé vừa nói vừa giả bộ tiếng oe oe của em bé)”.
Cả nhà cùng khóc theo âm điệu đó. Và may mắn làm sao, Hòa chịu dừng lại để nhìn cả nhà cũng đang khóc giống mình.
Vài phút sau thì Hòa chịu để mình ôm, và mình tiếp tục đưa sách cho con đọc.
Cả nhà lại tiếp tục đọc sách. Nhưng vì cũng sắp hết giờ đọc nên Papa tụi nhỏ quyết định chỉ đọc một cuốn sách nữa thôi, rồi đi ngủ.
Mình vừa ôm Hòa trong lòng vừa nghe Papa đọc sách, cuốn sách chưa kịp khép lại thì thằng bé đã ngủ từ lúc nào….
Mình tự hỏi là nếu lúc đó mình hay chồng mình hoặc cả hai nổi giận về thái độ của Hòa thì mọi chuyện sẽ như thế nào?
Tụi mình có thể dùng “quyền người lớn” để quát thằng bé nín và ngồi đọc sách tử tế đúng không nào? Tụi mình có quyền làm vậy mà.
Nhưng nếu làm vậy, chính mình đã “giết chết” cảm xúc của thằng bé rồi đúng không?
Khóc không xấu, cáu giận không xấu. Cảm xúc của trẻ không có lỗi, có chăng là cách chúng ta đón nhận và xử lý những cảm xúc tiêu cực thành tích cực như thế nào thôi.
Chúng ta không thể trông mong con mình trở thành một đứa trẻ giàu cảm xúc khi chính bản thân chúng ta còn chẳng kiểm soát nổi cảm xúc của mình đúng không nào?
Còn bạn, bạn xử lý thế nào khi con “bùng nổ” cảm xúc? Chia sẻ cho mình biết với nhé!