“Giáo dục sớm” đến thời điểm hiện tại vẫn là cụm từ “đắt giá” tại Việt Nam. Không ít các ông bố, bà mẹ sẵn sàng chi một số tiền khổng lồ để rèn con mình thành thần đồng khi chỉ mới vài tháng tuổi. Nào sách, nào học liệu, nào các khóa học được ba mẹ thi nhau đổ tiền vào để mong muốn con mình trở nên thông minh hơn người.
Trong số những bà mẹ mình có dịp tiếp xúc, có những người vừa mới bước vào hành trình làm mẹ đã đăng ký ti tỉ khóa học như: Dạy con tư duy toán học, Dạy con song ngữ, Khóa học Kích hoạt tài năng con trẻ, Dạy con siêu trí nhớ… Mình thật sự thán phục khi các mẹ đủ kiên nhẫn và tâm huyết để học tất cả những thứ đó cùng con mình. Đơn giản vì…. mình lười.
Đối với mình, nền tảng quan trọng nhất của giáo dục sớm chính là giáo dục gia đình. Từ gia đình, trẻ sẽ học được cách yêu thương tích cực, học được các giá trị và cách sống lành mạnh, học được sự bao dung và tử tế giữa người với người.
Một đứa trẻ sẽ không biết yêu thương bản thân nếu luôn bị đánh mắng, ghẻ lạnh và phân biệt.
Một đứa trẻ sẽ không biết cảm thông và có lòng trắc ẩn nếu những gì chờ đợi chúng sau những lần phạm lỗi luôn là lời quát mắng và đòn roi.
Khi sống trong yêu thương tích cực, trẻ sẽ biết cách đánh giá một mối quan hệ xung quanh mình là tiêu cực hay lành mạnh khi trưởng thành, giúp bản thân tránh được những rắc rối về mặt tình cảm. Ở Việt Nam, trẻ dưới một tuổi thường bị hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài vì người lớn cho rằng cơ thể trẻ còn non nớt và dễ nhiễm khuẩn. Nhưng mình và chồng lại làm điều hoàn toàn ngược lại.
Để con phát triển thể chất và tăng sức đề kháng tự nhiên, tụi mình thường xuyên đưa con đi nhiều nơi, chơi cùng thiên nhiên, cho con tiếp xúc với các môi trường khác nhau.
Để mở rộng thế giới quan của con, tụi mình đọc sách cho con mỗi ngày.
Dưới đây là cách mà mình cùng chồng giáo dục sớm cho tụi nhỏ nhà mình.
Giáo dục sớm bằng hội họa
Cho con tiếp xúc với hội họa từ sớm cũng là cách để rèn luyện não phải và phát triển trí thông minh không gian cho con. Chúng mình không dạy con vẽ và cũng không có ý định cho con đi học vẽ mà chỉ đưa giấy, bút để con tự do vẽ theo trí tưởng tượng của chúng. Điều chúng mình ưu tiên nhất chính là phát triển tư duy tưởng tượng của con hơn là chất lượng của bức tranh.
Giấy vẽ và bút là những thứ mình luôn mang theo khi đi ra ngoài, là cứu tinh giúp mình giữ cho bọn trẻ im lặng hoặc là phương thức giao tiếp của mình với con.
Giáo dục 0-6 tuổi ưu tiên đến cảm xúc, nên thường tụi mình sẽ chọn các loại giấy có độ sần vì loại giấy này sẽ kích thích cảm giác của trẻ, đồng thời thấm màu tốt hơn.
Từ tình yêu hội họa, trẻ cũng sẽ tự mình viết các nét chữ đầu tiên mà không qua bất kỳ bài giảng nào cả.
Giáo dục sớm bằng cách trao quyền cho trẻ
Nội dung bài viết
ToggleThứ nhất, tạo môi trường phát triển tự do cho con
Chồng mình và mình thực hiện điều này ngay từ chính thiết kế ngôi nhà của chúng mình. Nơi ba đứa nhỏ nhà mình có thể tự do thực hiện những trò chơi mà chúng muốn. Quy tắc nuôi dạy con của tụi mình là “Nếu không muốn con chạm vào thứ gì thì thay vì nói “Không” tụi mình sẽ để khuất tầm mắt của chúng.”
Thứ hai, giáo dục sớm bằng cách trao quyền cho con
Con gái của mình bắt đầu chán ghét ăn rau khi được 2 tuổi, tụi mình cũng không ép con mà để con tự chọn loại rau bản thân sẽ nấu cho bữa ăn và cho bé nấu nướng cùng mình. Kết quả là con bé có thể ăn hết chén canh có rau đó. Ngoài việc tạo niềm vui cho con trong việc ăn uống, hoạt động này còn tăng thêm tính trách nhiệm của con với gia đình, và luyện tập sự tập trung.
Đọc tới đây có thể bạn thấy sao mà mình can đảm quá để cho con vào bếp, nhưng thực tế nhà mình có sắm dao kéo chuyên dụng cho trẻ nhỏ để đảm bảo an toàn cho con khi tham gia vào các hoạt động nấu nướng.
Thứ ba, hãy để con tự giác làm mọi thứ
Thực tế là chúng ta không thể mong đợi một đứa trẻ 4 tuổi tự giác làm tất cả mọi việc.
Một số tình huống thường gặp khi bạn bảo con làm việc nhà như “Bảo con dọn đồ chơi nhưng con vừa dọn vừa chơi. Bạn yêu cầu con thay quần áo nhưng con va vào quyển sách lại mải mê đọc sách mà quên mất lời dặn của mẹ”.
Khi gặp những tình huống như vậy sẽ không tránh khỏi sự tức giận. Tuy nhiên, trước khi lớn tiếng nhắc nhở, bạn hãy đến bên con xem con đang làm gì và nói với con rằng “Chà, cái này chắc là thú vị lắm nên làm con chú ý mà quên cả lời của mẹ rồi. Con có nhớ là mình cần phải làm gì không? Con cần mấy phút để làm việc đó? (Gợi nhắc và trao quyền)”.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tập cho con tính tự giác bằng cách liệt kê trên bảng những việc con cần thực hiện, đánh số thứ tự và đưa cho con xem bảng công việc của mình.
Khi con làm xong một việc, cho con đánh dấu tick vào phần việc đó. Mình thường dùng cách này cho những công việc cố định vào buổi sáng hoặc tối trước khi đi ngủ.
Công cụ này đã giúp ích cho mình rất nhiều trong việc nhắc nhở con. Có lần cậu con trai mình sau khi thực hiện xong tất cả các công việc thì bé lấy giấy vẽ minh họa lại các hoạt động bé đã tự làm mà không cần mẹ nhắc. Bức vẽ đó thực sự rất dễ thương với hình ảnh chiếc máy giặt hay bộ quần áo rất ngộ nghĩnh.
Thêm vào đó, bạn cũng có thể tạo ra một ngày thử thách cho cả gia đình, chẳng hạn như: thử thách tự giác, thử thách một ngày không xem tivi, hoặc thử thách dậy sớm,…
Các thử thách này không phải để thi đua cạnh tranh giữa các thành viên mà để khuyến khích các thành viên cùng thực hiện một hoạt động nào đó. Trò chơi thử thách này đã rất hữu hiệu với các bé nhà mình. Các bạn cũng thử xem thế nào nha.
Tóm lại, giáo dục sớm chẳng phải là khái niệm gì “đao to búa lớn” mà hầu hết mọi người thường nghĩ đến.
“Giáo dục sớm” – Giáo dục thời thơ ấu – Early childhood education, chính là cách mà bạn tương tác với con, cách mà trẻ được đối xử hàng ngày, cách nuôi dưỡng cảm xúc, hay dạy con các kỹ năng từ chính các thành viên trong gia đình.
Mục tiêu của giáo dục sớm không phải để con trở thành thần đồng như Đỗ Nhật Nam hay Albert Einstein. Giáo dục sớm là để con hoàn thiện nhân cách, cho con tình yêu vững vàng, mạnh mẽ để có thể hạnh phúc trong tương lai dù là ai đi chăng nữa.
Nếu ai đó hỏi rằng rồi con mình sẽ trở thành ai? Mình sẽ tự tin khẳng định rằng “Chẳng trở thành ai cả, con chỉ cần trở thành người mà bản thân mình muốn là được. Con có thể là bất cứ ai, miễn sao con cảm thấy bản thân sống có ý nghĩa, muốn được đóng góp và có nơi nào đó thuộc về. Nơi đó có thể là gia đình hoặc một tổ ấm của riêng chúng trong tương lai.