Gần đây, trong hội nhóm làm cha mẹ có rất nhiều câu hỏi của phụ huynh về những vấn đề của con trẻ như: Con nói dối, con không nghe lời, con bướng bỉnh và thậm chí thô lỗ,…
Khi quan sát những đứa trẻ xung quanh cũng như có cơ hội tư vấn cho những người mẹ, tôi nhận ra rằng trong xã hội ngày nay, cha mẹ càng ngày càng có ít thời gian dành cho con cái. Không kể đến vị trí kinh tế, mức thu nhập thế nào, sự bận rộn của cha mẹ tỉ lệ thuận với các vấn đề ở trẻ: Rối loạn phát triển, ADHD, và các vấn đề về hành vi không mong đợi khác.
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, đứa trẻ đang chống đối, bướng bỉnh, thô lỗ hoặc hung hăng, là những đứa trẻ có vấn đề về hành vi và họ cần tìm cách để chữa lỗi hành vi đó.
Tuy nhiên, nếu bạn thực sự nhìn sâu vào đứa trẻ, đặt mình vào vị trí của con, đó chỉ là cách trẻ phản ánh cảm xúc của mình. Trẻ thể hiện cảm xúc khi chúng chưa có đủ ngôn từ để bộc lộ hay mô tả những phức cảm thực sự bên trong. Vì vậy, sự bộc phát qua hành vi xuất phát từ nhu cầu cảm xúc của trẻ mà thôi. Nhiệm vụ của cha mẹ, những người làm giáo dục không phải là tập trung chữa lỗi hành vi của trẻ mà là cố gắng hiểu thông điệp của trẻ ở chính hành vi đó…
Tôi mong mọi người có thể hiểu thông điệp này:
“Chúng ta nên tập trung làm thế nào để nuôi dưỡng sự lành mạnh về mặt cảm xúc của trẻ em chứ không phải tập trung vào huấn luyện hành vi đúng như chúng ta kỳ vọng trẻ phải tuân thủ. Cũng như người làm vườn hay người chăn nuôi, điều đầu tiên họ cần biết là những gì mà cây trồng hay vật nuôi của họ cần để phát triển. Bạn sẽ không thể có một khu vườn xanh tươi nếu không biết cái cây của bạn cần gì, việc nuôi dạy con cái cũng tương tự như vậy.”
Trẻ em sinh ra với những nhu cầu khác biệt không thể tiên lượng trong quá trình phát triển. Và việc đáp ứng nhu cầu sinh học tự nhiên mà con trẻ cần, đó là cách con bạn lớn lên một cách hoàn hảo nhất.
Dưới đây là những nhu cầu cơ bản mà ba mẹ có thể xem xét trong quá trình nuôi dạy đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh về thể chất lẫn tinh thần ở trẻ em:
Nhu cầu về mối quan hệ gắn bó cho trẻ có cảm giác an toàn. Nhu cầu gắn bó là động lực mạnh mẽ trong cuộc đời của con người, bản năng con người luôn mong muốn được gần gũi, được chăm sóc hoặc chăm sóc người khác. Con người luôn cần nhau để tồn tại nên bộ não của con người luôn có một mạch gắn kết rất mạnh mẽ. Khi con càng non nớt, con càng bất lực và phụ thuộc. Vì vậy, sự gắn bó chính là điều lý tưởng nhất cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, nhu cầu gắn bó là vô tận.
Nhu cầu gắn bó không chỉ cần thiết về mặt nuôi dưỡng thể chất mà còn là nuôi dưỡng cảm xúc, tinh thần: được ôm ấp, được gần gũi, được chấp nhận…
Nhu cầu thứ hai là trong mối quan hệ giữa ba mẹ và trẻ, trẻ con cần được thư giãn. Điều đó có nghĩa là trẻ không cần phải cố gắng để được yêu thương. Trẻ cần cảm nhận rằng chúng luôn được yêu thương mà không cần phải cố gắng làm một đứa trẻ ngoan ngoãn, dễ thương, thông minh, chăm chỉ như mong đợi của người lớn.
Nhu cầu thứ ba là nhu cầu được trải nghiệm, được thể hiện mọi loại cảm xúc. Não bộ của con người được thiết kế bao gồm các cảm xúc: vui vẻ, hạnh phúc, đau buồn, sợ hãi, hoảng loạn, giận dữ… Và những cảm xúc này cần thiết để sinh tồn.
Vì vậy, khi bạn trừng phạt đứa trẻ đang giận dữ có nghĩa là bạn đang dạy con rằng con không được chấp nhận với cảm xúc đó. Con không được phép trải nghiệm cảm xúc đó. Cảm xúc không xấu. Cảm xúc là điều tự nhiên.
Nhu cầu thứ tư: Chơi tự phát trong tự nhiên. Không phải là các trò chơi có tổ chức hay đồ chơi. Bởi phát triển giác quan cảm xúc khi chơi tự phát trong thiên nhiên chính là khuôn mẫu định hình việc phát triển trí tuệ một cách lành mạnh.
Vì vậy, ở trường mầm non hay ở nhà nên tập trung nhấn mạnh vào chơi tự do, sáng tạo hơn là tập trung vào việc giảng dạy kiến thức. Bởi đó là cách con người chúng ta học và trở thành người lớn.
Có lẽ thế giới hiện đại ngày nay đã lấy đi tuổi thơ được chơi của con trẻ. Trẻ cần được chơi nhiều hơn. Hãy nhìn một đứa trẻ đầy bùn hay đắm mình trong cát, bạn nghĩ bao nhiêu giác quan của con được kích hoạt?
Ngày nay tỉ lệ trẻ được chẩn đoán với các vấn đề rối loạn ngày càng tăng, nhiều trẻ không biết nói dù đã 5 tuổi… Và rồi chúng ta cố gắng cung ứng thuốc và các quy trình điều trị, tuy nhiên lại không xem xét yếu tố môi trường và bối cảnh mà trẻ lớn lên. Đó mới là yếu tố khởi nguồn cho các vấn đề của trẻ…
Nếu có bất kỳ câu hỏi hay nhu cầu cần được giải đáp, đừng ngần ngại để lại tin nhắn phía dưới để được hỗ trợ miễn phí bởi ID ASOBI team!