Cách đây khá lâu, tình cờ tôi đọc được bài viết của một anh khá nổi tiếng, đại khái ý anh thế này: “Đỉnh cao của trí tuệ chỉ có được khi con người phải chịu sự cô đơn, lạnh lẽo để theo đuổi?”. Giáo dục phải đi cùng sự khổ hạnh thì mới nên người.
Điều này khiến tôi nhớ về cuộc trò chuyện cách đây 10 năm với một người thầy đại học, thầy có hỏi tôi thế này “Giáo dục và đào tạo khác nhau như thế nào?”. Câu hỏi này đã đi theo tôi suốt ngần ấy năm làm giáo dục.
Giáo dục là hướng đến hoàn thiện Tâm – Nhân – Trí. Còn Đào tạo chỉ là bước sau của Giáo dục. Con người sẽ tự tìm cách để được đào tạo mình trở thành ai, giỏi trong lĩnh vực nào.
Tôi không phủ nhận để thành công, con người phải chăm chỉ mỗi ngày, phải cầu tiến, phải vươn lên. Nhưng quan trọng hơn cả, họ phải tìm thấy niềm vui trong thứ mình đang làm.
Chẳng có đứa trẻ 6 tuổi nào bị nhốt trong phòng từ sáng tới tối để thuộc lòng những thứ chúng chẳng hiểu là gì, mà thành công và hạnh phúc cả. Niềm vui học tập mới là điều đứa trẻ cần. Đó chính là động lực để chúng luôn mày mò khám phá thế giới xung quanh. Và khi học được thêm một kiến thức gì đó mới, chúng cảm thấy hạnh phúc như được bay lên tận trời xanh.
Quay trở lại câu chuyện có nên kiểm tra bài cũ hay không, tôi muốn kể cho bạn nghe cách mà giáo dục tiểu học Nhật Bản đánh giá năng lực học sinh: Không điểm số, không gọi trả bài.
Ở Nhật, tại một số địa phương, học sinh được phát iPad miễn phí để thuận tiện cho việc học và làm bài tập online kể từ đại dịch Covid. Đối chữ Kanji, Toán học, sẽ có các bài kiểm tra nhanh trên ứng dụng sẵn, các bé sẽ tự kiểm tra khi ở nhà. Tuy nhiên, các bài kiểm tra này không ép buộc. Các bé có thể thấy kết quả ngay khi kiểm tra cùng một lời nhận xét kiểu: “Bạn đã cố gắng rồi. Tiếp tục phát huy nhé!”.
Còn với những môn xã hội, các bé sẽ được giao chuyên đề để làm khảo sát thực tế. Có lần trong thư viện, một em học sinh chạy đến hỏi tôi về những cuốn sách mình thường mượn ở thư viện, tuổi tác, những cuốn sách bọn trẻ nhà tôi hay đọc.
Hỏi ra mới biết, các em ấy đang làm bài tập về nhà với đề tài thói quen đọc sách theo độ tuổi. Một lần khác, các em vào siêu thị, khảo sát giá bán sản phẩm, phân biệt giá theo từng loại. Hôm sau lên lớp, các em kể lại và trao đổi cùng giáo viên, các bạn.
Chỉ một bài tập nhỏ vậy thôi đã có thể giúp đứa trẻ rèn luyện biết bao nhiêu kỹ năng từ khả năng tư duy, quan sát cho đến giao tiếp xã hội. Điều mà mình nghĩ một đứa trẻ chỉ học thuộc lòng những kiến thức hàn lâm trong sách giáo khoa sẽ khó làm được.
Qua bài tập đó, giáo viên cũng sẽ quan sát xem bé nào có kiểu tính cách gì, điểm mạnh gì? Ai chưa làm được sẽ đề xuất kiểu bài tập khác.
Ở trường tôi thậm chí còn không kiểm tra hay cho bài tập về nhà. Bọn trẻ được quyền chọn thứ mà chúng hứng thú. Mỗi ngày đến trường, chúng thảo luận cùng nhau, thương lượng để đi đến quyết định cuối cùng là sẽ làm gì, học gì ngày hôm đó.
Hay ở Phần Lan cũng vậy. Họ không có bài kiểm tra chuẩn hóa. “Kỳ thi” duy nhất được áp dụng trên toàn quốc là tuyển sinh quốc gia. Tại kỳ thi này, các em được đánh giá và chấm điểm bởi giáo viên, người đã theo các em trong thời gian dài. Thậm chí, nếu không muốn có đánh giá này, học sinh hoàn toàn có thể từ chối.
Bài tập về nhà thường rất ít, thậm chí là không có hoặc có nhưng rất thú vị. Chẳng hạn đối với bài học lịch sử, các em có thể được yêu cầu hỏi ông bà xem cuộc sống những năm 1950 khác gì so với ngày nay.
Bạn thấy đấy, đâu phải kiểm tra đạt điểm cao, trả bài thuộc làu làu là đứa trẻ sẽ học hành thành công đâu. Cốt lõi nhất vẫn là tạo niềm đam mê học tập cho chúng. Khi chúng cảm thấy việc học là vui, là thú vị, tự động chúng sẽ học mà chẳng cần ai ép buộc cả.
Nhiều hôm, vợ chồng tôi đang ngồi nói chuyện sau giờ cơm tối, hai đứa trẻ ngồi bên tự dạy nhau viết chữ Kanji. Con trai tôi đi học ở trường thậm chí không dạy chữ Kanji (1 trong những hệ chữ của Nhật). Chúng học vì muốn biết, muốn tìm hiểu, muốn chinh phục vì bản năng nội tại thôi thúc chúng làm điều đó.
Nếu muốn trải nghiệm giáo dục mầm non và tiểu học tại trường tôi, phụ huynh có thể đăng ký qua form phía dưới bài viết.