“Tôi yêu tiếng nước tôi
Từ khi mới ra đời người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời.”
Tình ca – Phạm Duy
Tiếng Việt là cái gốc, là thứ nhắc nhở chúng ta về nguồn cội cho dù sống ở đâu trên thế giới này. “Người Việt mà không biết tiếng Việt”, “Người Việt mà dùng ngôn ngữ khác giỏi hơn cả tiếng Việt” thì đáng buồn biết bao. Ngôn ngữ không chỉ là thứ tiếng dùng để giao tiếp hàng ngày, mà nó còn ẩn chứa văn hóa, lịch sử của một đất nước.
“Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi”
Tình ca – Phạm Duy
Nếu một đứa trẻ không hiểu rõ tiếng mẹ đẻ thì nó đã đánh mất cơ hội hiểu về nguồn gốc và bản sắc của mình. Đó là lý do mình cố gắng duy trì tiếng Việt cho con dù sống ở đất nước khác. Còn tiếng Việt, ông bà còn cháu. Tiếng Việt chính là điều quyết định sự kết nối của con với quê mẹ khi sống và lớn lên ở nước ngoài.
Nếu ba mẹ có theo dõi những bài viết trước đây của Hamy thì cũng biết rằng gia đình mình là gia đình Việt – Nhật. Tuy ba đứa nhỏ nhà mình có thể nói được hai thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Nhật) nhưng chúng lại không thể tư duy sâu trong cả hai ngôn ngữ này như những đứa trẻ cùng trang lứa khác vì vốn từ chưa đủ cũng như không thể kết nối các ý tưởng và thông tin.
Vì vậy, để bù lại hạn chế này, mình cố gắng dành thời gian đọc sách cùng con để tăng vốn từ vựng, những lúc lái xe đường dài, mình cùng con chơi các trò chơi tìm từ vựng để con nhớ và hiểu được cách sử dụng từ chính xác hơn.
Đọc thêm bài viết “Có nên dạy con song ngữ từ nhỏ?”
Nhắc đến việc đọc sách, mình muốn chia sẻ điều này. Trong nhiều năm làm giáo dục cho trẻ nhỏ, các vị phụ huynh thường có một câu hỏi chung dành cho mình đó là “Vì sao con của anh/chị/em không thích đọc sách?”
Mình thấy điều này bắt nguồn từ hai nguyên nhân. Một là, họ không tạo thói quen đọc sớm cho con. Hai là, cho con tiếp xúc thiết bị điện tử trước khi đọc sách thì bé có xu hướng không thích đọc sách.
Màu sắc trên thiết bị điện tử như tivi, điện thoại luôn có độ sắc nét cao và kích thích trẻ hơn. Nó khiến trẻ nhàm chán khi tiếp xúc với màu sắc tự nhiên, Hoặc màu sắc kém sặc sỡ như sách.
Có một khoảng thời gian, các bé nhà mình không hứng thú đọc sách tiếng Việt nữa. Lý do là vì con sử dụng tiếng Nhật tốt hơn trong khi vốn từ vựng tiếng Việt thì hạn chế.
Vậy nên, để con có hứng thú với sách tiếng Việt, mình rất kỹ trong việc chọn sách. Và nhận thấy rằng, sách tương tác là sách các bé đón nhận dễ dàng nhất.
Lúc Chiêu Hòa (con trai út của mình) 2 tuổi, khi mới làm quen với sách tương tác, bé cũng gặp nhiều khó khăn vì không thể hiểu được mẹ nói gì. Nhưng dần dần, dưới sự hỗ trợ của anh chị như một trò chơi, bé có thêm vốn từ và luyện được kỹ năng tìm kiếm.
Trong đợt về Việt Nam vừa rồi, mình cũng tranh thủ cùng Chiêu Hòa ra hiệu sách mua vài quyển sách tương tác để khi về Nhật có thể đọc cho lũ trẻ nghe.
Loại sách này giúp con học được sự kiên nhẫn và tập trung cao độ. Khi hoàn thành một yêu cầu, bé có sự tự tin, niềm phấn khởi cũng như có động lực để thử sức thêm những phần khác.
Tuy nhiên, loại sách này lại chống chỉ định cho những người mẹ thiếu kiên nhẫn vì con sẽ liên tục nhờ mẹ đọc không ngừng nghỉ.
Hiện tại bốn mẹ con đang đọc những quyển này, nên mình cũng muốn chia sẻ một chút để ba mẹ có thêm những đầu sách hay cho trẻ.
Truyện tranh khoa học về các loại côn trùng
Bộ truyện tranh này có nhiều quyển, mỗi quyển sẽ nói về một loại côn trùng khác nhau. Tập mà mình chọn là về Ca sĩ nhiệt tình – Ve sầu. Mở đầu quyển sách là trang giới thiệu chi tiết từng nhân vật sẽ xuất hiện, chúng có tính cách ra sao, sống ở đâu,… Và điều thú vị là những câu chữ miêu tả về chúng luôn được lồng ghép những thông tin khoa học thiết thực, giúp trẻ có thêm nhiều kiến thức bổ ích.
Những “nhân vật” côn trùng xuất hiện sinh động, có tính cách, có cảm xúc và cũng mang những câu chuyện, nỗi niềm của riêng mình. Câu chuyện về chúng đầy kịch tính, có thắt, có mở, có cao trào, có trầm lắng.
Nó không chỉ cung cấp kiến thức thực tế mà còn giúp con nuôi dưỡng lòng trắc ẩn. Ấu trùng ve sầu đã mất nhiều năm sống trong lòng đất, thậm chí đến 15 năm, để rồi sau màn lột xác thành công, chúng liên tục cất tiếng hát không ngừng suốt mùa hè rồi vĩnh biệt.
Thử tài tìm kiếm – Lịch sử
Bộ này có tổng cộng sáu quyển, gồm:
- Thử tài tìm kiếm – Khủng Long,
- Thử tài tìm kiếm – Lịch sử,
- Thử tài tìm kiếm – Thế giới,
- Thử tài tìm kiếm – Động vật,
- Thử tài tìm kiếm – Biển khơi,
- Thử tài tìm kiếm – Thành phố.
Bộ này thì chủ yếu hình ảnh nhiều, chữ ít hơn. Mỗi trang đôi của quyển sách có một bức tranh thể hiện sống động khung cảnh đặc trưng của một thời kỳ lịch sử, với nhiều nhân vật, động vật và đồ vật để các bé tìm kiếm. Thế là bốn mẹ con bày ra trò chơi xem ai tìm được hết đầu tiên sẽ là người chiến thắng. Và phần thưởng là nụ hôn từ những người còn lại. Mỗi lần tìm ra là lại reo hò như được mùa, vui ơi là vui.
Tinh mắt bắt hình – Biển khơi
Mình thấy quyển này cũng tương tự với quyển Thử tài tìm kiếm – Lịch sử. Mỗi trang trong quyển sách là hình ảnh của các sinh vật dưới đại dương để cho tụi nhỏ tha hồ tìm kiếm, ghép hình giống nhau và tập đếm. Ngoài ra, trong sách còn có rất nhiều tình huống thú vị cùng các nhân vật ngộ nghĩnh để các bé tìm tòi nữa. Các bé là fan của Khủng long không nên bỏ qua cuốn này nhé!
Khởi điểm của mọi sự học nên bắt nguồn từ tình yêu. Chỉ khi con yêu những gì mình học, những gì mình làm thì con mới có động lực để thực hiện nó mỗi ngày mà chẳng cần ai nhắc nhở. Là ba mẹ, những gì bạn có thể giúp con chính là hãy tiếp tục sử dụng hoàn toàn tiếng mẹ đẻ ở nhà với con, đừng pha trộn bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Hãy để chúng có một nền tảng tiếng mẹ đẻ trọn vẹn, ba mẹ nhé!
Ba mẹ nào biết các quyển sách hay khác thì chia sẻ cùng My để My có thể mua và mang sang Nhật nha! Hy vọng có thể tạo được tủ sách tiếng Việt tại trường trong tương lai.