Chắc nhiều bạn khi đọc tiêu đề sẽ nghĩ rằng: “Sáng tạo là sáng tạo, làm gì có sự sáng tạo nào đi theo khuôn mẫu”. Điều tưởng chừng là vô lý nhưng nó lại là sự thật. Mình đã viết bài này cách đây vài tháng, nhưng đến nay mới đủ can đảm để xuất bản cùng bạn đọc.
Trong chuyến về Việt Nam vừa rồi, mình có cơ hội dự giờ một buổi dạy vẽ cho trẻ mầm non (những bé đó khoảng 3 tuổi) và mình đã sốc với cách dạy vẽ của cô giáo đứng lớp hôm ấy.
Cô mang đến một bức tranh hình con cá để làm mẫu, sau màn giới thiệu chủ đề, cô bắt đầu hướng dẫn cách vẽ. Rồi chẳng đợi bọn nhỏ định hình để vẽ một con cá cho riêng mình, cô giáo đến cầm tay từng đứa để vẽ giúp, còn không quên thêm một vài bông hoa và lá xung quanh cho giống biển. Ngay cả việc tô màu, cô cũng chẳng để tụi nhỏ sáng tạo mà “tự tay” chọn màu cho trẻ tô và yêu cầu mấy bé hoàn thành bức tranh của mình càng nhanh càng tốt.
Giờ học vẽ đó thật kỳ lạ, chẳng có sự thảnh thơi thả hồn vào nghệ thuật cũng chẳng có sự tự do cho óc sáng tạo bay bổng mà tất cả như một cuộc chạy đua của cô và trò để cố hoàn thành giờ học, đảm bảo mỗi đứa trẻ đều sẽ có một bức tranh đẹp về khoe ba mẹ.
Kết quả là mấy chục con cá na ná nhau ra đời, chẳng thể phân biệt được con nào là do bé nào vẽ cả.
Vậy thì cuối cùng mục tiêu của giáo dục là gì? Vì sự phát triển của trẻ? Vì thành tích của giáo viên hay vì đáp ứng nhu cầu của ba mẹ?
Bạn biết không? Mầm non là giai đoạn vàng để dạy trẻ về nghệ thuật vì lúc này óc sáng tạo của trẻ được phát huy cao độ. Và vẽ tranh chính là cách tốt nhất và đơn giản nhất để kích thích trí sáng tạo của trẻ. Ở giai đoạn này, hoạt động vẽ không phải để tạo ra một bức tranh đẹp mà là để trẻ rèn luyện đôi tay của mình. Khi vẽ, trẻ sẽ dùng não bộ điều khiển đôi tay và kích thích sự sáng tạo.
Nhà tâm lý Piaget đã từng nói: “Đặc trưng trong cách suy nghĩ của trẻ ở thời kỳ mẫu giáo chính là tính duy kỷ”. Khi vẽ tranh, trẻ không hề quan tâm người xem muốn gì, nghĩ gì, chỉ đơn giản là thỏa mãn bản thân mà thôi.
Giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi: Việc vẽ tranh chỉ bao gồm nét vẽ nguệch ngoạc mà người lớn chẳng hiểu trẻ vẽ gì.
Giai đoạn 3 tuổi rưỡi đến 4 tuổi: trẻ có thể vận dụng đa dạng ngôn từ, đồng thời biết cách thể hiện được hình dáng của sự vật hiện tượng. Tuy nhiên khác với người lớn, trẻ sẽ không vẽ lại đúng những gì mình thấy mà vẽ theo cách hiểu của mình một cách tượng trưng.
Giai đoạn 9 đến 10 tuổi: giai đoạn này trẻ mới có nhận thức giống người lớn về không gian.
Do đó nếu cầm tay chỉ vẽ cho trẻ từ sớm chẳng khác nào bạn đã cướp đi khả năng tưởng tượng của trẻ. Và đánh mất cả cơ hội được nhìn thấy trẻ trưởng thành như thế nào thông qua từng nét vẽ.
Người lớn chúng ta biết vẽ nhiều thứ vì tay chúng ta đã thuần thục và não bộ có thể nhận biết nhiều sự vật. Nhưng với trẻ nhỏ, chúng như một tờ giấy trắng, não bộ chưa đủ vốn từ để cung cấp thông tin cho trẻ cách vẽ. Do đó, chúng chỉ đơn giản thể hiện mọi thứ theo trí tưởng tượng của mình.
Ngày nay, do phải chạy đua theo một nền giáo dục “ăn xổi ở thì” nên người lớn vô tình mắc phải những lối mòn tư duy khi dạy trẻ vẽ tranh. Không ít người có suy nghĩ sai lầm rằng giáo dục nghệ thuật là dạy trẻ cách vẽ tranh của người lớn. Để làm điều đó, người lớn bắt đầu dạy, hay đúng hơn là nhồi nhét cho trẻ những kỹ thuật vẽ tranh mà hoàn toàn quên đi các bổ trợ khác như năng lực vận động, khả năng ngôn ngữ, cảm xúc hay tính xã hội.
Lối mòn trong tư duy giáo dục này còn lan rộng sang cách giáo dục các năng lực khác như tiếng Anh, Toán học,… Thực tế không ít bà mẹ bỏ tiền đầu tư giáo dục sớm và ép con học khi chỉ mới 3 tuổi.
Điều này chẳng mang lại lợi ích gì ngoài việc tạo áp lực vô hình và sự căm ghét việc học nơi trẻ. Đối với trẻ nhỏ, con đường học tốt nhất và hiệu quả nhất chính là để trẻ tự do. Chỉ như vậy thì tình yêu học tập mới thực sự được khơi mào.
Vẽ tranh chính là hoạt động học tập đầu đời giúp trẻ hình thành đam mê học tập. Để trở thành một chuyên gia, người lớn cần 10.000 giờ để luyện tập. Tuy nhiên, họ phải có kỹ năng học tập và niềm đam mê học hành. Sự kỳ vọng quá nhiều từ người lớn chỉ để lại ác cảm học hành cho trẻ mà thôi.