Trước khi muốn con thành danh, phải dạy con thành nhân.
Với tư duy xem trọng thành tích đã ăn sâu vào gốc rễ, đa số ba mẹ Việt Nam đều muốn con mình trở thành thần đồng, thành thiên tài, thành người có địa vị trong xã hội khi lớn lên. Phần lớn chúng ta cho rằng dạy con thành người tử tế, người “bình thường” thì quá dễ dàng, dạy chúng trở nên xuất chúng mới khó.
Nếu bạn hỏi mình muốn con trở thành ai trong tương lai, thì mình sẽ nói rằng “Mình muốn con là chính con vốn là, là một người “bình thường” mạnh khỏe về thể chất lẫn tinh thần, sống có ý nghĩa với người bên cạnh con và hạnh phúc”.
Có rất nhiều người có học hàm học vị cao, nhưng lại rất lúng túng trong cuộc sống thường nhật, thậm chí không thể tận hưởng hạnh phúc dù đạt đến đỉnh cao danh vọng. Đôi khi họ gặp rắc rối bởi chính những điều dung dị trong cuộc sống. Và, còn là sự phiền toái – là nguyên nhân đỗ vỡ trong các mối quan hệ gia đình.
Là một người mẹ, một người vợ, mình trân trọng người đàn ông “bình thường” bên cạnh mình. Dù không phải là người kiếm tiền xuất sắc, nhưng lại biết dung hòa trong cuộc sống cá nhân. Để mình cảm thấy rằng: mình không phải là người duy nhất chăm con, làm việc nhà. Không phải cố gắng để trở thành người giỏi việc nước, đảm việc nhà… Và càng không có cảm giác tự ti chỉ vì mình là người mẹ nội trợ toàn thời gian…
Mình muốn nuôi dưỡng những con người bình thường như vậy. Vì một người hạnh phúc sẽ tạo ra thế hệ hạnh phúc. Dưới đây là những chia sẻ các quy tắc nuôi dạy những đứa trẻ bình thường mà mình đã có cơ hội tham khảo kinh nghiệm của người đã nuôi dạy chồng mình những năm thơ ấu.
Chồng mình sinh trưởng trong một gia đình khá giả ở Tokyo. Công việc chính của gia đình chồng là kinh doanh. Từ khi còn bé, thỉnh thoảng chồng mình được đưa về dinh thự nghỉ mát của ông bà ngoại cùng một vài gia đình đối tác phương Tây. Chồng mình được dạy về cách ăn, cách nói và thực hành các chuẩn mực, lề thói để cư xử phù hợp với các đối tác. Thêm vào đó, mẹ chồng mình là người rất thành công trong sự nghiệp làm giáo dục, mặc dù trước đó bà và chồng cùng kinh doanh xuất khẩu dầu khí giao thương giữa Nhật Bản, Việt Nam và các nước Trung Đông.
Hãy cùng xem những quy tắc “bình thường” này trong nuôi dạy con, bạn đã thực hiện được những nguyên tắc nào rồi nhé!
1. Khi ăn mì Ý không hút sột soạt như khi ăn mì Ramen (một loại mì của Nhật), bà dạy con cách dùng dao nĩa đúng, cuộn tròn mì bằng nĩa và đưa gọn vào miệng. Khi nhai không tạo nên tiếng nhóp nhép hay bất kỳ âm thanh. Và đặc biệt là, không được vừa nhai vừa nói chuyện.
2. Khi mọi người dùng chung một món ăn thì không được phép dùng đũa cá nhân của mình chạm vào, và cũng không được đào xới thức ăn để lựa chọn miếng ăn mà bản thân ưa thích. Nếu muốn gắp mẫu thức ăn nào thì quan sát trước và lấy đúng mẫu đó vào đĩa của mình.
3. Ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, không lãng phí thực phẩm
Nếu trẻ còn quá nhỏ chưa thể tự lấy thức ăn cho mình thì ba mẹ nên nắm được sức ăn của con mà gấp một lượng vừa phải. Sau khi con ăn hết, ba mẹ sẽ hỏi con có muốn ăn thêm không. Nếu chúng muốn ăn nữa thì mới tiếp tục gắp một ít cho chúng.
4. Khi nhờ người khác lấy thức ăn giùm mình thì bản thân phải dừng lại chờ họ để bày tỏ sự tôn trọng. Không gắp thức ăn khác và tiếp tục ăn khi người khác đang lao động để phục vụ cho mình.
5. Quy tắc một miếng duy nhất
Khi đến nhà người khác, nếu được mời ăn những món lạ mắt, dù không thích nhưng cũng phải thử dù là một miếng vì đó là sự tôn trọng tối thiểu dành cho người mời và người nấu ăn.
6. Không dùng đũa muỗng gõ vào chén bát tạo thành tiếng trên bàn ăn. Tôn trọng dụng cụ ăn và tôn trọng người đối diện.
7. Không dùng chân giẫm lên đồ của mình hoặc của người khác vì nó thể hiện sự thiếu tôn trọng chính người sở hữu món đồ đó.
8. Khi vào nhà người khác, phải để giày dép ngay ngắn trước cửa. Cổng ra vào của người Nhật là một trong những nơi tôn nghiêm. Người Nhật tin rằng lối ra vào sạch sẽ, ngăn nắp sẽ mang lại may mắn cho gia chủ. Vì vậy, việc để giày dép lộn xộn ở nhà người khác là một trong những điều tối kị với người Nhật.
9. Tạo thói quen: Lấy ở đâu thì trả về đúng vị trí cũ. Việc giữ đồ đúng vị trí là cách tôn trọng các thành viên khác trong gia đình mình cũng như hạn chế sự thất thoát, tìm kiếm khi cần.
10. Mỗi người trong gia đình đều có trách nhiệm giúp đỡ nhau. Dạy con làm việc nhà từ sớm là cách chia sẻ trách nhiệm trong nhà, giúp trẻ học cách sống có trách nhiệm với nơi mà mình sinh sống, tăng thêm sự tự tin vì bản thân cũng đóng góp vào công việc chung của gia đình.
11. Khi cởi quần áo, phải tách biệt nội y, quần áo ngoài, tất và để quần áo bẩn đúng vị trí. Điều này thể hiện sự lịch sự với người giặt quần áo cho mình, tôn trọng người sống cùng mình.
12. Ở nơi công cộng, không đặt chân lên ghế trên tàu điện hay đạp vào thành ghế người ngồi phía trước để thể hiện sự tôn trọng với người khác.
13. Kính trọng người lớn tuổi và nhường nhịn em nhỏ, giúp đỡ những người yếu hơn mình
Để làm gương cho trẻ, khi lái xe trên đường nếu thấy người đi bộ băng qua đường thì dừng lại để nhường hoặc trên các phương tiện công cộng khi thấy người già hoặc trẻ em thì có thể nhường chỗ ngồi cho họ.
15. Không nói quá to ở nơi công cộng và không dùng lời lẽ thô tục ở những nơi đông người.
16. Muốn bày tỏ ý kiến của bản thân, trước tiên phải nghe người khác nói hết ý, hết câu, không ngắt lời và chen ngang lời họ dù điều họ nói không đồng quan điểm hoặc khiến mình khó chịu.
17. Luôn nói cảm ơn và xin lỗi dù họ là ai, dù vị thế của họ thế nào. Khi đi ăn ở quán, phải cảm ơn khi người phục vụ mang thức ăn ra cho mình. Đó là cách tôn trọng sức lao động của họ dành cho mình cũng như một cách thực hành sự khiêm cung.
18. Luôn đặt mình vào vị trí của người khác và hiểu cho cảm xúc của họ. Đơn cử như việc tắm xong thì phải dọn phòng tắm hay để vị trí khăn tắm như thế nào để người sau còn sử dụng. Dùng toilet xong phải biết dọn sạch. Người bình thường sẽ là người văn minh tôn trọng chính bản thân mình và ngay cả người đến sau vậy.
Nhiệm vụ của ba mẹ chính là chuẩn bị cho con một cách tốt nhất để chúng có thể trở thành một người “bình thường” với bạn đời của chúng, với những đứa con tương lai của chúng, với cộng đồng chúng thuộc về.
Ba mẹ có muốn dạy con để trở nên bình thường? Và sẽ như thế nào nếu như ba hoặc mẹ không thể làm được những điều bình thường trên? Để lại bình luận cho mình biết nhé! Ba mẹ có thể đọc thêm những bài viết khác của Hamy tại đây nhé!