Đồng hồ vừa điểm 4 giờ sáng, mình úp mặt trên quyển sách “Cây cam ngọt của tôi” và khóc nức nở. Lại một đêm mất ngủ. Mình khóc vì sự ra đi mãi mãi của ông Bồ, vì tia hy vọng yêu thương vừa chớm nở đã vụt tắt.
Mình đoán rằng khi bạn lật đến những trang cuối của quyển sách này, bạn cũng sẽ òa khóc cho cậu bé Zé Zé như mình mà thôi.
“Giờ đây tôi đã thực sự biết đau đớn là gì. Đau đớn không phải là bị đánh đến bất tỉnh. Đau đớn không phải là bị một mảnh thủy tinh cứa rách chân phải khâu nhiều mũi ở hiệu thuốc. Đau đớn là thế này đây: toàn bộ trái tim tôi nhức nhối, và tôi phải mang nó xuống mồ.”
Trích từ quyển sách “Cây cam ngọt của tôi” – José Mauro de Vasconcelos
Zé Zé là cậu bé 5 tuổi sinh ra trong một gia đình nghèo đông con. Bố thì thất nghiệp còn mẹ làm công nhân cả ngày để lo cho miếng cơm manh áo của cả gia đình nên chẳng có ai trò chuyện cùng cậu. Zé Zé thường tự nghĩ ra những trò chơi riêng cho mình. Nhiều người trong gia đình, kể cả hàng xóm xung quanh khi nhìn vào chỉ thấy cậu là một đứa trẻ hư đốn vì những rắc rối cậu thường gây ra. Những lời chỉ trích, những đòn roi trừng phạt cho sự nghịch ngợm của cậu diễn ra nhiều như cơm bữa, dần dần buộc cậu bé 5 tuổi phải trưởng thành sớm và khiến cậu có suy nghĩ “đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời”?
Có lẽ Zé Zé sẽ mãi chỉ có một tuổi thơ tăm tối nếu cậu không gặp và kết thân với ông Bồ – người mang đến ánh sáng của tình yêu thương và sự ấm áp cho một tâm hồn đầy tổn thương vì bạo lực gia đình như Zé Zé.
Quyển sách “Cây cam ngọt của tôi” mang đến rất nhiều góc nhìn để những ai đã, đang và sắp làm cha mẹ nên chiêm nghiệm: về cách một đứa trẻ suy nghĩ và nhìn nhận sự việc, về sự nuôi dạy của người lớn và làm sao để trao yêu thương đúng cách.
Nội dung bài viết
ToggleMọi đứa trẻ đều thông minh với những ý tưởng táo bạo của riêng chúng
Tất cả người lớn đều từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa bao giờ được làm người lớn. Người lớn biết phân biệt đúng sai, nhưng trẻ con thì chẳng thể học được điều đúng nếu chúng chẳng sai bao giờ.
Cậu bé Zé Zé đã thử sai hết lần này đến lần khác bằng những trò nghịch ngợm mà cậu nghĩ ra. Cậu nghịch đến nỗi người ta luôn nhắc về cậu với những câu cửa miệng: “Lại là thằng con ông Paulo đấy”, “Thằng con ông Paulo chứ đâu”,… Thỉnh thoảng, cậu lại làm những chuyện kinh động xóm làng như: cắt dây phơi quần áo để nhìn chúng lộn tùng phèo, làm giả một con rắn bằng quần tất để dọa người đi đường, bôi sáp nến trước cửa nhà thờ và đốt tờ báo của ông bác họ,…
Có đứa trẻ nào mà không nghịch ngợm hay thường bày trò quậy phá,… Những trò của Zé Zé có lẽ ít nhiều mỗi người lớn chúng ta cũng từng trải qua một lần. Có lẽ vì thế mà quyển sách tạo nên sự gần gũi, thân quen cho người đọc.
Đừng “đánh cắp” tuổi thơ của trẻ
Thế giới nội tâm của Zezé vô cùng phong phú vừa có sự đáng yêu, ngây thơ của một đứa trẻ nhưng đâu đó vẫn ẩn chứa sự đau đớn, tuyệt vọng, những thứ đáng lẽ không nên có ở một đứa trẻ.
Trên thế giới này có rất nhiều đứa trẻ như Zé Zé, chúng bị những sự thật trần trụi đến tuyệt vọng của cuộc sống buộc phải lớn lên, trở thành những đứa trẻ hiểu chuyện đến đáng thương. Cậu nhường món đồ chơi duy nhất ở nhà cho Luís để dỗ em nín khi hai anh em tới muộn trong lễ phát quà Giáng Sinh, nỗ lực đi đánh giày chỉ để có 12 xu mua một bao thuốc lá dành cho cha trong ngày Giáng Sinh.
Từng bước đi của cậu đầy ám ảnh như cậu đang bước đi trên đôi mắt của cha mình. Zé Zé đã trải qua cuộc chiến nội tâm gay gắt và sự dằn vặt không đáng có ở một đứa trẻ 5 tuổi.
“Tuổi thơ của con chỉ có một lần và thời gian sẽ không bao giờ quay lại nữa. Chúng ta luôn muốn hạnh phúc ngay trong chính phút giây mình tồn tại, chứ không phải là một thì tương lai nào đó. Con trẻ cũng như vậy. Mỗi đứa trẻ đều xứng đáng được hạnh phúc trọn vẹn từng phút trong thế giới tuổi thơ của chúng.”
Trí tưởng tượng, sự sáng tạo của trẻ là vô hạn. Đừng nên dập tắt chúng
“Bởi cuộc đời sẽ tẻ nhạt ra sao nếu bạn hoàn toàn không có chút khả năng tưởng tượng?”
Dường như trong mỗi đứa trẻ luôn có một thứ phép màu – thứ phép màu mà những cơ thể và tâm hồn đã bị đồng hóa với hiện thực như chúng ta chẳng bao giờ có lại được nữa – ấy là trí tưởng tượng không giới hạn. Khoảng sân sau nhà với những cái cây, móc phơi đồ, chuồng gà, con mương nhỏ dưới ánh mắt trẻ thơ của Zezé và em trai Louis biến thành sở thú với sư tử, báo, cáp treo, rồi còn rừng rậm Amazon, và cả Châu Âu nữa! Niềm vui từ những trò chơi tưởng tượng cứ đầy ắp trong cậu. Nhưng chúng thường bị gạt phắt đi vì bị cho là ngớ ngẩn.
Khi cho trẻ biết quá nhiều sự thật không cần thiết ở độ tuổi của chúng, trẻ sẽ mất đi trí tưởng tượng.
Vấn đề đôi khi không nằm ở trẻ mà là ở người lớn
Người lớn thường đem những mệt mỏi ngoài xã hội trút hết lên những đứa trẻ. Thật ra ở một khía cạnh nào đó, những gì họ thể hiện chỉ là phương thức để giãy giụa khỏi sự bất hạnh và bất lực bên trong mà thôi.
Như người bố của Zé Zé, áp lực từ sự nghèo đói, nỗi lo thất nghiệp đã khiến người đàn ông này trở nên suy sụp, đó là lý do ông thường xuyên uống rượu và không về nhà. Để rồi khi những dồn nén ấy tích tụ quá nhiều, ông đã lấy thắt lưng đánh Zé Zé đến bất tỉnh chỉ vì cậu bé muốn làm cho ông vui nên đã học lỏm bài hát từ người khác. Giá như công việc của bố Zé Zé vẫn ổn định, có thể trang trải và chu cấp cho gia đình thì có lẽ ông sẽ không cảm thấy bị sỉ nhục, trêu ngươi vì lời bài hát mà đứa con thơ ngây tội nghiệp của ông cất lên. Có lẽ tình cảm giữa hai cha con đã khác và tuổi thơ của cậu bé đã hạnh phúc hơn.
Luôn đặt niềm tin nơi trẻ. Chỉ có tình yêu và sự tự tế mới là tài sản lớn nhất mà bạn có thể cho con
Khác với gia đình và những người hàng xóm luôn cho rằng Zé Zé là kẻ phá hoại, là đứa con của quỷ, đứa trẻ bị Chúa bỏ quên. Cô giáo và ông Bồ luôn tin tưởng ZéZé là một đứa trẻ tuyệt vời. Vì nhận được sự tin tưởng nên ZéZé luôn cố gắng nuôi dưỡng phần thiên sứ bên trong mình như bản năng. Cậu bé không còn hái trộm hoa thêm một lần nào nữa và cũng thôi không còn chửi bậy.
Khi làm bạn với ông Bồ, trái tim cậu như được sưởi ấm một lần nữa. Người bạn già đặc biệt này đã thổi vào tâm hồn Zé Zé một làn gió mát lành. Ông cho cậu sự ấm áp của một người cha, giúp cậu sống lại thêm lần nữa, cho cậu cảm nhận yêu thương là như thế nào.
Để rồi khi đã là một người đàn ông trung niên 48 tuổi, Zé Zé đã viết: “Cháu là người cố gắng trao tặng những viên bi và những tấm bài. Bởi vì nếu không có sự trìu mến thì cuộc sống chẳng còn đặc biệt nữa. Đôi khi cháu hạnh phúc vì sự trìu mến của mình.”
Nếu không có tình yêu của cô giáo và ông Bồ thì có lẽ Zé Zé đã kết thúc cuộc đời ở tuổi đôi mươi như những anh chị em của mình vì họ nghĩ cuộc đời không đáng sống. Và cậu cũng sẽ chẳng bao giờ biết được tình yêu thương ấm áp như thế nào.
Bên trong mỗi đứa trẻ luôn tồn tại hai cá thể: Một phần “Ác quỷ” và một phần “Thiên sứ”
Sự bạo lực từ gia đình đã nuôi dưỡng con quỷ trong Zé Zé, nhưng tình yêu, sự ấm áp và trìu mến của ông Bồ đã khơi gợi bản tính tốt đẹp, hiền lương và ngoan ngoãn nơi cậu. Zé Zé là hiện thân của mọi đứa trẻ khác trên đời: luôn khao khát được yêu thương và mang yêu thương đến cho người khác.
Do đó, thay vì trừng phạt sai lầm của trẻ bằng những đòn roi thì hãy học cách giáo dục trẻ bằng sự bao dung và tình yêu thương của chính cha mẹ.
Đòn roi chỉ đẩy cha mẹ ra xa con cái như cách Zé Zé đã giết chết người cha trong chính trái tim mình.
Hãy đọc sách để ủng hộ Tác giả – Dịch giả và cảm nhận sâu sắc ý nghĩa nhân văn của cuốn sách. Đừng quên chia sẻ cảm nhận của bạn bên dưới comment nhé!