Trẻ con Nhật Bản không hay ồn ào, trưởng thành và tự chủ. Đó là những gì chúng ta thường nghĩ khi nhắc đến những đứa trẻ Nhật Bản. Nhiều người sẽ lý giải rằng “Vì ba mẹ Nhật dạy con rất nghiêm”, “Vì ở Nhật an ninh rất tốt nên ba mẹ có cơ hội dạy con tự lập từ nhỏ”, hay “Người Nhật không đối xử với trẻ con như chúng là trẻ con đâu”,… Dù là lý do gì đi nữa thì không thể phủ nhận rằng tư duy tự chủ của trẻ em Nhật là kết quả của cả một hệ thống giáo dục lấy sự phát triển của trẻ làm trọng tâm.
Người Nhật có một câu tục ngữ khá phổ biến: “可愛い子には旅をさせよ” (Kawaii ko ni wa tabi o saseyo – Hãy để đứa con yêu dấu của bạn có một cuộc hành trình). Ý nghĩa của câu này chính là trẻ em cần phải trải qua những gian nan, thách thức ngay từ giai đoạn đầu đời. Nếu ba mẹ yêu con mình thì nên để con “tự thân vận động” phù hợp với độ tuổi. Để chúng có khả năng tồn tại được dù không có ba mẹ bên cạnh.
Do đó, giáo dục mầm non Nhật rất chú trọng trong việc hình thành tư duy tự chủ ở mỗi đứa trẻ. Khi trẻ đã hình thành tư duy tự chủ, chúng tìm thấy cái tôi độc đáo, không còn phụ thuộc vào những phán đoán hay phản ứng cảm xúc của ba mẹ hay thầy cô.
Với tư duy tự chủ, trẻ sẽ lựa chọn, quyết định hành vi, thái độ nào nên làm và không nên làm mà không bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tâm trạng, lời nói, mong muốn của người lớn.
Một lần về Việt Nam công tác, tôi đưa các bạn nhỏ 4 tuổi ra ngoài công viên tham gia ngoại khoá. Hôm đấy chúng tôi đã tổ chức một số hoạt động ngoài trời cho bọn trẻ. Cùng thời điểm đó, một lớp mầm non ở trường khác cũng có hoạt động cùng địa điểm với chúng tôi. Các bạn trường bên cạnh vì tò mò nên đến và muốn tham gia cùng, tuy nhiên các con đã sớm bị cô giáo ngăn lại. Tôi nói với cô: “Nếu không phiền thì cô có thể cho các con tham gia ạ. Hòa đồng cũng là một kỹ năng, không phải đứa trẻ nào cũng có thể chơi cùng nhóm lạ.” Ấy vậy mà cậu bé liên tục nhìn ánh mắt của cô giáo, và từ bỏ ý định tham gia của mình. Tôi thấy điều này thật đáng tiếc, vì con đã quyết định từ bỏ vì sợ.
Sau sự kiện đó, tôi liên tục đặt câu hỏi: “Làm sao để trẻ em có tư duy tự chủ? Làm sao để tránh việc gây áp lực cho trẻ và nuôi dưỡng động lực nội tại của chính trẻ?” Tôi có thể học được gì trong những năm làm giáo dục tại Nhật sau quá trình quan sát sự tự chủ và trưởng thành của trẻ em Nhật Bản? Hy vọng bài viết này có thể cho độc giả một cái nhìn tương đối rõ ràng hơn.
Nội dung bài viết
ToggleĐầu tiên – Muốn dạy trẻ tư duy tự chủ, hãy trao cho trẻ sự tự do
Tự do trong vui chơi, tự do trong học tập.
Để mỗi đứa trẻ được tự do phát huy, cá tính riêng biệt như chúng vốn là. Ở trường tiểu học của chồng tôi (Urakawa Friend Forest school) , bọn trẻ được tự chọn nội dung học và hoạt động hàng ngày. Chúng tôi không sử dụng sách giáo khoa để dạy trẻ.
Thứ hai – Không quyết định thay trẻ, Đặt câu hỏi để trẻ tự đưa ra quyết định
Với kinh nghiệm nhiều năm trong giáo dục mầm non, chồng tôi tin rằng chơi chính là cách học tuyệt vời nhất đối với trẻ dưới 10 tuổi. Học bằng cách chơi sẽ tạo ra niềm vui, sự say mê và hứng khởi, nhưng nó chỉ đến khi trẻ thực sự “muốn làm” hoặc “quyết định tự mình làm” mà thôi.
Vì vậy, ở trường tiểu học, chúng tôi coi trọng và đề cao khả năng suy nghĩ, tự do lựa chọn và quyết định độc lập của trẻ.
Khi trẻ phạm lỗi, trước hết giáo viên không được la mắng hay trách phạt trẻ mà hãy tìm cách giúp trẻ bình tĩnh lại vì lúc này chúng đang sợ lỗi của mình sẽ bị thầy cô trừng phạt. Sau đó, đặt ra những câu hỏi để giúp trẻ tư duy xem bản thân nên giải quyết vấn đề này như thế nào.
Người Nhật thường xem trẻ như một cá thể độc lập có vị thế ngang bằng với mình, vậy nên cách trò chuyện của người Nhật đối với trẻ cũng dựa trên sự tôn trọng đối phương. Nếu vô tình bắt gặp một đứa trẻ đang chơi trong công viên và trò chuyện với chúng, bạn sẽ nhận ra, chúng sẽ có một màn đối thoại có tư duy và chiều sâu như một người lớn. Chúng sẽ biết cách giúp đỡ bạn nếu bạn bị lạc đường. Hoặc, chúng sẽ hỏi han để biết nhiều hơn về bạn… Bởi, chúng đã luôn luôn có cơ hội để tự suy nghĩ và tự đưa ra các quyết định cho chính mình.
Ở trường tiểu học Friend Forest, vào mỗi buổi sáng, bọn trẻ tập trung trong một chiếc lều Mông Cổ để cùng nhau thảo luận về những việc chúng muốn làm hôm nay dưới sự điều phối của giáo viên: “Tôi muốn chơi trong rừng, tôi muốn đi suối, tôi muốn làm đồ thủ công, tôi muốn học vẽ…” Đó là những ý kiến trái ngược của mỗi đứa trẻ, thật khó để đưa ra lựa chọn cuối cùng, nhưng chúng buộc phải tự thảo luận để thỏa hiệp và đưa ra quyết định cùng nhau.
Thứ ba – Không dùng quyền người lớn để điều khiển trẻ
Ở trường sẽ có những trẻ không thích làm theo lịch trình chung của lớp, giáo viên cũng không ra lệnh và bắt trẻ nghe lời. Giáo viên cho trẻ quyền chọn và bảo vệ sự lựa chọn của mình. Khuyến khích trẻ đưa ra quyết định dựa trên mong muốn nội tại. Không lấy nỗi sợ để điều khiển trẻ. Làm giáo viên hay người lớn, thật dễ dàng để chúng ta dùng quyền người lớn để bắt trẻ nghe lời và tuân thủ. Đó là cách làm rất dễ nhưng không mang tính giáo dục.
Đứa trẻ sẽ làm theo những gì mà giáo viên và ba mẹ bảo chúng làm không phải vì chúng thích làm điều đó hay vì chúng cảm thấy điều đó là đúng đắn mà chỉ đơn giản vì chúng sợ “quyền” của người lớn. Người lớn có thể quát mắng, hoặc thậm chí đánh chúng nếu chúng không vâng lời. Và vì làm tất cả theo mệnh lệnh nên chúng không hiểu tại sao mình phải làm như vậy. Rồi khi trưởng thành khả năng tư duy giải quyết vấn đề của chúng sẽ bị hạn chế và mỗi khi phải tự mình đưa ra quyết định chúng sẽ cảm thấy lo sợ, không tin tưởng vào bản thân mình.
Nhiều người đến tuổi trưởng thành, chọn vợ, chọn chồng, chọn công việc cũng bị chi phối bởi người khác.
Thứ tư – Tôn trọng chính kiến của trẻ
Có thể nhiều bạn đã đọc câu chuyện này ở bài viết trước của tôi, nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ lại cho những bạn nào chưa có dịp đọc. Đó là câu chuyện về một cậu bé học sinh trường tôi.
“Vào một ngày trời mưa tầm tã, xe buýt đón các bé đỗ trước trường, khi tất cả các bạn nhỏ lần lượt bước vào trong thì chỉ mỗi một cậu bé không vào lớp. Cậu bé đi trong mưa với chiếc ô của mình, di chuyển chầm chậm từ ống xối này đến ống xối khác, mặc cho nước chảy ào ào trên chiếc ô nhỏ. Người cậu ướt sũng. Nhưng cô giáo không vội gọi cậu vào trong, cũng chẳng khuyên cậu là “Con sẽ ốm mất nếu bị lạnh”. Cô chỉ bước đến cạnh cậu và hòa vào cảm xúc của cậu. Cô trò chuyện cùng cậu, hỏi han cậu về những điều bản thân muốn làm, những bạn cậu muốn chơi cùng, nơi cậu muốn đến,…
Cuộc trò chuyện kéo dài khoảng hai mươi phút, sau đó, cậu cũng chịu vào lớp, thay quần áo và bắt đầu ngày học mới như bao ngày bình thường khác, như chưa từng có một cuộc trò chuyện diễn ra dưới mưa nào.”
Đấy bạn thấy không? Mọi vấn đề đều sẽ được tìm được giải pháp khi giáo viên biết tôn trọng chính kiến của trẻ và không ngừng cố gắng để nâng cao chất lượng giờ học.
Trẻ con là một cá thể độc lập, chúng có lựa chọn và của riêng mình. Và chúng nên được khuyến khích để tự tin bày tỏ chính kiến cá nhân. Đó là cách mà người Nhật hướng tới để nuôi dưỡng những đứa trẻ có tư duy tự chủ.
>>> Đọc thêm bài viết “Giáo dục dinh dưỡng cho trẻ mầm non ở Nhật“