Bé đi nhà trẻ khóc nhiều là tình trạng chung mà hầu hết ba mẹ có con ở độ tuổi mầm non đều gặp phải. Việc nhìn thấy con khóc là điều khiến ba mẹ day dứt, xót con… thậm chí có nhiều mẹ còn suy nghĩ đến việc cho bé nghỉ ở nhà đợi lớn hơn chút rồi mới cho đi học lại. Tuy nhiên, liệu điều này có nên hay không?
Trong suốt những năm làm việc trong môi trường giáo dục mầm non, mình luôn dành thời gian để quan sát và ghi lại hành trình của trẻ trong những ngày đầu mới đến trường. Việc ghi chép này nhằm giúp mình tăng thêm sự hiểu biết về trẻ cũng như kinh nghiệm trong việc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mầm non.
Dưới đây là những điểm mình đúc kết được dựa trên những quan sát về trẻ trong suốt thời gian qua.
Nội dung bài viết
ToggleKhủng hoảng xa cách
Hội chứng “Khủng hoảng xa cách” là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ khi trẻ không muốn bị tách khỏi người chăm sóc gần gũi nhất, thường là ba mẹ. Lo lắng bị chia xa là một biểu hiện cho thấy trẻ đang dần phát triển tính độc lập và cảm giác an toàn. Biểu hiện của hội chứng này sẽ ở mức độ khác nhau ở từng trẻ.
Có những bé không hề khóc trong 1,2 ngày đầu đi học nhưng lại bắt đầu khóc nhiều từ ngày thứ 3, 4 trở đi. Việc trẻ khóc nhiều hay hầu như chẳng khóc trong thời gian đầu đến trường không liên quan đến tính cách của trẻ. Không thể nói những đứa trẻ khóc nhiều là nhút nhát vì có những bé nhút nhát thật sự nhưng khi đi học lại chẳng khóc tí nào.
Độ tuổi nào nên cho con đi học?
Theo kinh nghiệm của mình đối với trẻ nhỏ, trẻ đi học càng sớm thì khả năng thích nghi càng nhanh. Với những trẻ 3 tuổi, 4 tuổi mới bắt đầu đi học sẽ khóc nhiều hơn. Và có hành vi chống đối mạnh mẽ hơn. Vì ở độ tuổi này trẻ nhận thức rõ ràng hơn, cũng là thời gian đang trong giai đoạn khủng hoảng nên khó khăn hơn khi chia cách ba mẹ. Tuy nhiên mình không khuyến khích cho con đi học sớm nếu trường học không chất lượng, ba mẹ không có sự tin tưởng khi giao con cho trường.
Nước mắt “chia tay” trước cổng trường có thể chỉ đơn giản là trẻ có sự kết nối mạnh mẽ với mẹ
Những đứa trẻ có kết nối mạnh mẽ với mẹ thường khóc nhiều, và không chịu tham gia bất kỳ hoạt động nào của lớp mà chỉ muốn được cô bế trong thời gian đầu đến lớp. Khi trẻ khóc, cô có thể bế và vỗ về trấn an bé, nhưng không nhất thiết lúc nào cũng bế bé trên tay vì bé cũng cần phải làm quen và vượt qua giới hạn của bản thân.
Ngoài ra, cô cũng không nên cố đánh lừa sự chú ý của trẻ bằng một sự việc khác. Mặc dù trẻ dưới 2 tuổi thường dễ bị xao nhãng nhưng việc này chỉ khiến bé tạm quên trong thời gian ngắn mà thôi. Vai trò của cô giáo lúc này là giúp trẻ quản lý lo lắng thay vì loại bỏ chúng đi, hỗ trợ trẻ về mặt cảm xúc, kết nối và tạo niềm tin nơi trẻ để trẻ cảm thấy an toàn và tin tưởng.
Tuy nhiên, việc khóc nhiều, không thể hòa nhập với môi trường mới và luôn bám cô giáo có thể là dấu hiệu của hội chứng “Rối loạn hoảng sợ” khi phải chia tách ba mẹ. Hội chứng này có thể do di truyền hoặc do sự tổn thương từ những trải nghiệm trong quá khứ. Nhưng nếu gia đình không có ai có hội chứng này và quá trình chăm sóc con lành mạnh thì ba mẹ có thể yên tâm rằng trẻ có thể vượt qua và sớm hòa nhập môi trường mới. Có thể mất 2 tuần, chậm hơn so với thời gian trung bình là 5 – 7 ngày với một đứa trẻ bình thường.
Đặt câu hỏi tinh tế với trẻ
Từ lúc sinh ra, trẻ đã quen với cảm giác luôn có người thân bên cạnh, bỗng nhiên phải tạm chia xa ba mẹ để chuyển sang một môi trường mới chỉ toàn những người xa lạ thì bé nào cũng sẽ cảm thấy hoảng loạn, không an toàn. Do đó, thay vì hỏi những câu như “Con đang buồn phải không? Có phải con đang nhớ ba mẹ không?” làm tăng thêm nỗi sợ nơi trẻ, giáo viên có thể hỏi những câu hỏi như “Con cảm thấy thế nào? Cô có thể giúp gì cho con không?” để khuyến khích trẻ nói ra cảm xúc của mình.
Các câu hỏi đặt ra không nhằm mục đích lôi kéo sự chú ý để trẻ quên đi vấn đề hiện tại mà là mang đến cho trẻ cảm giác được quan tâm. Từ đó, trẻ mới dần dần mở lòng có niềm tin nơi cô giáo.
Với những trẻ dưới 2 tuổi chưa nói được nhiều, bé sẽ thường liên tục gọi “Mẹ”, lúc đó giáo viên có thể trấn an bé bằng cách “Con rất yêu mẹ đúng không? Cô biết mẹ cũng rất yêu con và mong được đón con vào buổi chiều, cô và con cùng cố gắng đợi mẹ đến nhé!”
Thiết lập mục tiêu cho trẻ
Trong giai đoạn đầu làm quen với trường lớp, mỗi ngày, cô giáo có thể đặt ra một mục tiêu cho trẻ. Ví dụ như: trẻ có thể tự chơi trong 15 phút (thời gian tăng lên theo từng ngày); hoặc bé có thể làm quen và trò chuyện với một người bạn mới,…
Khi trẻ hoàn thành được mục tiêu đề ra trong ngày, giáo viên hãy khen ngợi để tạo động lực cho trẻ cố gắng vào những ngày tiếp theo: “Hôm nay cô thấy con chơi được với những bạn khác hẳn 15 phút đấy. Con đã rất cố gắng rồi nhỉ. Cô hy vọng ngày mai con cũng chơi vui với các bạn như vậy nhé”.
Bé có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường mới hay không, có thể vui vẻ đến trường mỗi ngày hay không, không chỉ là sự cố gắng từ nhà trường mà còn có sự nỗ lực của ba mẹ.
Chuẩn bị vật dụng quen thuộc để bé mang đến trường
Mẹ nên chuẩn bị cho bé một vật dụng quen thuộc như một chiếc khăn, áo ngủ hay món đồ chơi yêu thích để bé mang đến trường. Món đồ này sẽ là vật thân quen duy nhất ở nơi xa lạ, giúp bé cảm thấy an toàn khi phải rời xa ba mẹ.
Mình thấy những bé trường mình ôm chiếc khăn quen thuộc suốt nhiều giờ. Chỉ cần chiếc khăn rơi ra là bé khóc như lúc chia tay mẹ vậy. Với người lớn, chúng có thể chỉ là món đồ vô tri. Nhưng với trẻ nhỏ, nó lại là một người bạn thân quen, là niềm an ủi tinh thần giúp bé an tâm hơn ở một môi trường xa lạ.
Khen ngợi sự tiến bộ của trẻ
“Hôm nay mẹ nghe cô bảo con đã tự chơi với các bạn, còn làm quen được bạn mới, mẹ cảm thấy rất vui. Chắc con đã cố gắng rất nhiều đúng không nè? Mẹ rất tự hào về con. Mẹ con mình cùng tiếp tục cố gắng nhé”. Chỉ những câu nói đơn giản vậy thôi nhưng sẽ giúp bé cảm thấy sự cố gắng của mình được công nhận. Và mong muốn bản thân nỗ lực hơn nữa để làm mẹ vui.
Không lấy cô giáo để dọa trẻ
Mình thấy nhiều mẹ ở Việt Nam thường lấy giáo viên ra dọa mỗi khi con có hành động chưa đúng. Chẳng hạn như khi con không chịu ăn cơm thì đe dọa trẻ rằng “Con mà không ăn, mai vào mẹ sẽ méc cô nha”. Điều này sẽ tạo cho trẻ cảm giác rằng cô giáo là một người đáng sợ, và trường học là một nơi không an toàn. Thế nên, khi con có lỡ làm điều gì đó chưa đúng, ba mẹ hãy nhẹ nhàng nhắc nhở để con nhận ra lỗi của mình và sửa đổi, đừng dùng hình thức đe dọa khiến con bị ám ảnh tâm lý.
Tóm lại, ba mẹ không cần quá lo lắng về việc trẻ khóc khi đi học. Mặc dù việc nhìn thấy con khóc nhiều thật không dễ chịu chút nào. Nhưng nếu ba mẹ và giáo viên phối hợp tốt với nhau thì bé sẽ nhanh chóng hòa nhập môi trường mới.
Tuy nhiên, nếu trường học ba mẹ chọn chưa phù hợp với trẻ. Và việc đi học biến thành nỗi ám ảnh của bé thì ba mẹ nên cân nhắc đến việc chuyển trường hoặc cho trẻ tiếp tục ở nhà. Tùy vào hoàn cảnh hiện tại của gia đình nhé.