Kể từ thời điểm tôi bắt đầu không hài lòng với những điều nhỏ nhặt ở Nhật, cũng là lúc những điều ấy bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Giải thích theo luật hấp dẫn thì chúng ta sẽ thu hút cuộc sống theo cách mà tâm trí chúng ta chú ý.
Và cũng đúng rằng, khi không hài lòng về điều gì, chúng ta sẽ bắt đầu soi xét chúng nhiều hơn. Và đôi mắt chúng ta chỉ nhìn thấy cái xấu nhiều hơn, để rồi, bị khó chịu vì những điều ấy.
Hôm ở Hàn Quốc, một người bạn đã nói với tôi thế này: ”Vũ trụ không phải ở ngoài kia, vũ trụ chính là ở bên trong mình. Mỗi người chúng ta, là vũ trụ của chính ta vậy.”
Dù sống ở đâu, trong một cộng đồng nhỏ hay một xã hội lớn hơn, luôn tồn tại những điều bất như ý. Việc của mình là thay đổi bản thân tốt hơn mỗi ngày thay vì khó chịu về những điều mình không thể kiểm soát. Việc tập trung vào những điều mình có khả năng làm chính là cách điều khiển vũ trụ của mình rồi.
Tôi thường áp dụng bài học này khi nuôi dạy con. Bởi với bọn trẻ, chúng ta luôn có lý do để giận dữ, bực bội. Chúng là những đứa trẻ ồn ào, không giữ lời hứa, không tập trung, không biết chia sẻ, không đúng giờ,…
Đối với trẻ ở tuổi mầm non, thật khó để chúng có thể làm được những điều kể trên mà không đánh đổi điều gì. Sự đánh đổi dễ nhất là đổi lấy sự tự tin, ý chí và tự do của chúng.
Tuy nhiên, là một người mẹ làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tôi cố gắng thay đổi bản thân để có thể giữ cho các con phiên bản nguyên sơ nhất, cho chúng cơ hội để hành xử theo bản năng tự nhiên nhất.
Ví dụ như: mỗi buổi sáng lũ trẻ rất rề rà, nếu không la hét để chúng ăn vội, làm ngay thì khó có thể kịp giờ đi làm phải không?
Vậy, tôi có thể làm gì trong khả năng của một người mẹ?
Buổi tối trước đó, tôi cho con ăn sớm hơn, cho con đi ngủ sớm hơn 30 phút để con có thể dậy sớm hơn. Thay vì cho vào giường ngủ lúc 8:30, tôi cho con vào giường lúc 8 giờ.
Tôi cũng phải đi ngủ sớm hơn, và cải thiện chất lượng giấc ngủ của chính bản thân vì chất lượng một ngày quyết định vào giấc ngủ của tối hôm trước.
Buổi sáng, tôi sẽ thức dậy sớm và chuẩn bị mọi thứ cần làm trước khi con thức dậy như việc trang điểm, chuẩn bị cơm sáng và để sẵn quần áo cho con. Để khi thức dậy, bọn chúng có đồ ăn ngay, có quần áo để thay mà không cần đợi mẹ. Mình cũng không cần phải vừa trang điểm vừa giục chúng tự mặc đồ. Vậy là, bọn trẻ sẽ được phép chậm chạp, vừa làm vừa nói chuyện.
Thay vì than phiền và bực bội về sự chậm chạp, tôi có thể nhìn thấy một khía cạnh khác của tụi nhỏ: chúng vui vẻ chơi với nhau, hoà thuận và nói cười rôm rả.
Khi nuôi dạy con, tôi thường nghĩ theo hướng này:
Nếu như việc buộc bọn trẻ phải hoàn thành chuyện ăn uống, mang quần áo, vệ sinh hằng ngày… thuộc những mục tiêu ngắn hạn thì những việc như: nuôi dưỡng tính tự chủ (tự nghĩ được việc cần làm), sự tự tin, sự thấu cảm, sự bao dung, tinh thần đoàn kết và sự hòa thuận của anh em là những mục tiêu dài hạn.
Vậy, tôi sẽ ưu tiên làm sao để đạt được mục tiêu dài hạn hơn là những mục tiêu ngắn hạn. Đơn cử như việc, bọn trẻ có thể đua tranh để ai làm nhanh hơn, có thể cạnh tranh, ganh đua để giành chiến thắng. Nhưng về dài hạn, tôi không nghĩ là điều hay khi chúng phải đấu tranh để giành được tình yêu của ba mẹ.
Có thể thấy rõ rằng, phụ huynh ngày nay rất chú trọng đáp ứng, nuôi dưỡng thể chất của con họ. Nhưng quan trọng hơn nữa là nuôi dưỡng tinh thần.
Tinh thần ấy được tạo ra bởi cách ba mẹ giao tiếp hàng ngày, cách ba mẹ xử lý vấn đề hàng ngày. Mức độ tích cực hay tiêu cực mà ba mẹ rót vào bọn trẻ, nó tạo nên cảm xúc, tinh thần và cả cuộc sống của bọn trẻ về sau.
Nó chính là “vũ trụ” bên trong của bọn trẻ khi trưởng thành. Làm cha mẹ, bạn chính là khởi nguồn của “vũ trụ” mà con bạn sẽ sống. Khởi nguồn đó thế nào, chúng ta có thể quyết định được. Phải không?