Bạn có biết, gia đình khác với trại trẻ mồ côi là gì không?
“Tôi mất trinh khi ngoài mười bảy tuổi, và tới giờ thì đã ngủ với bốn người. Tôi nghĩ tôi là người học nhanh, tới nay thì tôi đã từng trải hơn rất nhiều những đứa khác mặc dù chúng có thể có quan hệ sớm hơn tôi.
Tôi muốn mất trinh, phần vì tò mò, phần do buồn chán. Hôm đó là dịp Tết, tôi ở trong phòng mình và nghe cái bài hát của Lana del Rey trong phim The Great Gatsby. Tết nhưng nhà tôi lạnh lẽo như nhà mồ. Từ hồi lớp Năm, khi bố mẹ tôi chia tay nhau, thì tôi ở với một ông bác, thằng em trai tôi ở với ông bác khác. Mẹ không nuôi được chúng tôi, ba không muốn nuôi chúng tôi.
-“Cái gạt tàn của tôi đâu rồi? Máy vẫn đang ghi âm à? Mà bạn chỉ nghe thôi, bạn không đóng góp gì sao?”
Dừng lại, châm thuốc hút…
Nói thật là tôi thất vọng về ba. Ba tôi biết rất nhiều thứ, thông minh này nọ. Ba đóng tiền học cho tụi tôi, nhưng thế là hết. Đàn ông thì phải bảo vệ được gia đình chứ. Tụi tôi bị ức hiếp nhiều lắm, bị đánh, bị la hét, bị chửi rất nhiều, nhưng ba không bảo vệ tụi tôi gì hết.
Tôi chưa bao giờ thấy hình ảnh một người cha trong ổng. Có một thời gian ba tôi còn không biết ngày sinh của tôi nữa. Cuối tuần trước thằng em tôi qua ở cùng với ổng một tối. Thường tôi không quan tâm tới việc ba tôi đang ở với bà nào. Ở với ai cũng được, nhưng mà đừng có đụng tới tụi tôi, bạn hiểu không?
Khi có mặt ba thì bả rất là nice (tử tế) với em tôi, nhưng khi không có ba ở đó thì bả đối xử với nó như với một con chó luôn. Bả hành hạ nó. Đù mạ, đéo hiểu luôn. Giờ ba tôi cũng lớn tuổi rồi nên có một phụ nữ ở bên cạnh cũng là cần thiết. Nhưng tôi thấy bả vô đạo đức.
Thằng em tôi có làm gì bả đâu. Nó ngồi lên cái giường của bả. Bạn nghĩ coi, có gì đâu, một đứa con nít ngồi lên cái giường thôi. Vậy mà bả nắm đầu nó gí xuống đất, bả nói, “Chỗ mày ngồi là ở đây nè, mày đừng có đụng vô giường tao.” Má, tôi muốn qua nhà bả canh buổi sáng bả ra đường, lấy một tô máu chó tạt vô mặt bả.
Bả ứng xử chó quá đi, nói thiệt, bây giờ là thời buổi nào rồi. Mà tôi không hiểu sao ba tôi toàn quen những người gì đâu không à. Tôi không hiểu luôn á. Bắt mẹ tôi sinh ra thằng em tôi cho đã rồi giờ để người ta đối xử với nó như vậy. Hồi mẹ tôi sinh thằng em tôi thì tôi đã mười tuổi hơn rồi. Chắc chắn là nó thiếu thốn tình cảm.
Tôi còng queo trên giường, hút một điếu thuốc và nghe lại lần nữa Young and Beautiful. Tôi thèm được nói chuyện với ai đó. Tôi nhắn tin cho người này, người kia, Instagram, Zalo. Sexting. Tôi rất có kinh nghiệm trong sexting nhé, tôi làm giỏi lắm. Giờ nghĩ lại thấy dơ bỏ mẹ luôn. Lúc đó tôi thấy mình đã sẵn sàng – down for sex. Tôi muốn mất trinh, kiểu mạo hiểm chút. Tuổi trẻ mà bạn. Ai cũng có một quãng thời gian tìm hiểu về bản năng sex của mình, bạn hiểu không? Tôi hay suy nghĩ, sex nó sẽ như thế nào nhỉ, sau khi có sex thì cuộc đời người ta có thay đổi không, cách người ta nhìn thế giới có khác gì không?
Tới ba giờ sáng thì ông ấy tới đón tôi. Sinh viên, hơn tôi ba tuổi, mới nói chuyện với tôi đôi lần trên mạng. Tôi choàng cái áo khoác rộng thùng thình lên người, nhét một ít tiền vào túi. Mỗi tuần ba cho tôi năm trăm nghìn. Tôi chỉ nói chuyện với ba lúc xin tiền, vì tôi và ba không có gì để nói với nhau. Tôi cũng cảm thấy buồn vì điều đó. Mà ba cho tiền theo tuần, nên là tuần nào tôi cũng phải ngửa tay xin. Thỉnh thoảng mẹ cũng gửi cho tôi một trăm Euro. Mẹ tôi yếu lắm, mảnh khảnh giống như tôi này, mà lại ít học nữa. May là mẹ gặp được một ông người Pháp khá thương mẹ. Giờ mẹ tôi ở với ổng bên Pháp. Lần nào video call mẹ tôi cũng nói là giờ đây tụi tôi là thứ duy nhất mẹ có trên đời.
Tôi mò ra khỏi nhà. Trước kia tôi hay cãi cọ với gia đình ông bác, nhưng giờ thì họ để tôi yên, tôi muốn làm gì thì làm, đi về lúc nào không ai quan tâm. Trời lạnh và tôi cảm giác hơi sợ. Bạn xem phim Người tình chưa? Tôi thấy mình giống như trong đó, chuẩn bị phó thác mình cho một người lạ. Tôi run, nhưng biết làm sao bây giờ. Tôi không nhìn vào mắt ông ấy, lẳng lặng trèo lên chiếc Exciter, rồi ông ta phóng đi. Phòng trọ của ông ấy cũng khá gọn gàng. Trên bàn vương vãi mấy câu ngôn tình ông ấy tìm được ở trên mạng. “Đàn bà thì mơ mộng, đàn ông thì hứa hẹn.” Kiểu đó. Thật là lame và nông cạn. Ông ấy vừa đi học vừa đi làm, gia cảnh dưới quê. Bộ ông ấy thì chỉ hứa thôi chứ làm được gì cho ai, lo cho mình còn chưa xong. Thực ra tôi cũng muốn ai đó phù hợp với mình hơn, nhưng tôi chẳng có ai. Rồi tôi chặc lưỡi là không quan trọng. Tôi chỉ muốn mất trinh. Tôi ra khỏi nhà với cái đích như vậy. Tôi thấy cái trinh tiết chả có giá trị gì…”
Đó là một phần câu chuyện của Hồng Linh, cô gái lớn lên trong gia đình có ba mẹ ly hôn, bị thờ ơ và bỏ mặc được nhắc đến trong cuốn sách “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của tác giả Đặng Hoàng Giang.
Hồng Linh lớn lên trong một thế giới vắng bóng tình yêu của cha mẹ, một người tỏ ra mình mình cứng rắn nhưng mang trong mình nỗi sợ cô đơn, cố gắng chạy trốn và vùi lấp nó bằng tình dục và những mối tình chóng vánh. Câu chuyện của Hồng Linh cũng phần nào giống với câu chuyện của Hà An và Phương Anh, những người cố gắng giết chết những cảm xúc bên trong của mình, cố gắng trở nên chai lì, trơ sạn để không còn bị tổn thương và thất vọng do ngoại cảnh. “Vừa thèm được tựa vào ai đó, cô vừa sợ họ bỏ đi”.
Nỗi sợ bị bỏ rơi và sự trống rỗng bên trong bắt nguồn từ một gia đình lạnh lẽo đã ám ảnh họ từ khi còn bé, khiến họ luôn nghi ngờ giá trị của bản thân và gặp khó khăn trong việc thể hiện tình yêu thương với người khác. Chính Hồng Linh cũng phần nào cảm nhận được vấn đề của mình: “Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác”.
>>> Cây cam ngọt của tôi – 6 bài học về giáo dục trẻ nhỏ
Cuốn sách còn kể về những câu chuyện của hơn 20 nhân vật khác. Họ là những người trẻ không còn là trẻ con nhưng vẫn chưa thực sự là người lớn. Đọc cuốn sách, phần lớn những người ở thế hệ 8x, 9x,10x như đâu đó thấy được hình ảnh và cả nỗi đau của chính mình.
Đó là những câu chuyện, từ những người bỏ học đại học, cho đến những người học rất giỏi, thậm chí có người còn đạt học bổng du học, từ những người lớn lên không hề có sự quan tâm của bố mẹ, cho đến những người được bố mẹ bao bọc, vạch sẵn con đường tương lai. Tuy vậy, họ đều có điểm chung là mang trong mình nhiều tổn thương đến từ gia đình, và những tổn thương thời ấu thơ ấy vẫn khiến họ trăn trở mỗi ngày, loay hoay với những câu hỏi và sự bất an vô bờ bến.
Cuốn sách thực sự làm mình trăn trở rất nhiều về vai trò thực sự của bản thân. Rất nhiều người mẹ nói rằng họ muốn đồng hành cùng con, muốn hỗ trợ mọi ý muốn của con. Nhưng cái bẫy đồng hành ấy cũng có thể dễ dàng đưa con vào cái vòng kim cô như câu chuyện của Đan trong Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ.
Cậu có người mẹ làm quan chức nhà nước, quan tâm giáo dục, luôn mở đường cho Đan và ủng hộ trước mọi quyết định của Đan. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, mẹ Đan là người mở đường, thu xếp, dẫn dắt trước khi Đan có cơ hội hình thành sở thích hay mong muốn của mình.
Từ cấp hai, mẹ cậu đã mở hết cánh cửa này tới cánh cửa khác cho cậu, đem cậu tới hoạt động này, dự án kia. “Miếng ăn được đưa đến tận mồm, mình thậm chí còn không phải nhai nữa”.
Đan – giống con chim sống lâu trong lồng, thèm muốn tự do nhưng khi cửa lồng mở thì chỉ đứng ở cửa, không dám bay đi. Không có cảm giác được sống một cuộc đời độc lập, Đan không biết mình là ai, mình muốn gì, nên đi đâu. Cậu chỉ thấy bứt rứt, hổ thẹn và vô giá trị…
Cuốn sách thực sự đáng để đọc cho những ai bước vào hành trình làm cha mẹ. Để được chữa lành, để thứ tha và để song hành cùng con mà không vấp phải những lỗi lầm của cha mẹ “xe ủi” hay những mẫu hình cha mẹ khác trong sách.
Không như các cuốn sách nuôi dạy con khác mà tôi đọc, cuốn sách này không có bất kỳ một bí quyết chỉ dẫn bạn nuôi con thành thiên tài hay làm ông này bà nọ. Đọc sách, bạn sẽ tự biết mình cần phải làm gì?
Trước khi muốn con thành danh, con cần phải thành nhân đã chứ.
Cuốn sách cũng đáng để đọc cho những người trẻ đang đi tìm mình và cha mẹ của họ.