Dạy trẻ làm việc nhà là hành trình đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn từ cha mẹ, đặc biệt với những trẻ được sinh ra trong gia đình có điều kiện và trẻ bị cám dỗ bởi những thứ xung quanh.
Nhiều người bạn của mình thường hay tâm sự rằng “Dạy tụi nhỏ làm việc nhà sao mà khó quá”, “Mấy đứa con của mình rất lười, suốt ngày chỉ chơi điện tử, xem ti vi, chẳng biết phụ giúp cha mẹ gì cả”, hay là “Mình stress quá My ơi, đi làm về mệt mà phải lao vào nhà bếp nấu nướng, vậy mà ăn xong tụi nhỏ nhà mình chẳng đứa nào biết dọn dẹp phụ mẹ cả.”
Sau nhiều năm làm việc trong ngành giáo dục mầm non, mình không ít lần nghe sự than phiền của nhiều bậc phụ huynh nào là trẻ không chịu dọn đồ chơi dù cha mẹ đã nói khàn cả cổ, nào là ném đồ chơi lung tung đầy nhà, giao việc gì cũng không hoàn thành vì mải ham chơi,… khiến cha mẹ “tức điên” và buông ra những lời dọa nạt kiểu: “Nếu con không chịu dọn đồ chơi của mình mẹ sẽ vứt không cho chơi nữa”.
Nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng chính bản thân mình đã khiến những đứa con nghĩ rằng làm việc nhà là nhiệm vụ của cha mẹ chứ không phải của chúng?
Bạn có nhớ lần gần nhất khi các con lăng xăng bên cạnh đòi được cầm chổi để quét hay dọn chén dĩa phụ mẹ, bạn đã cư xử với chúng như thế nào? Hướng dẫn và động viên chúng hoàn thành công việc hay quát lên: “Con còn nhỏ biết gì mà làm, ra ngoài chơi để mẹ làm cho”. Cứ lần nào chúng định phụ giúp bạn làm việc nhà thì chỉ nhận được một câu y như nhau “Để ba/mẹ làm cho”. Dần dần, đứa trẻ sẽ nhận thức rằng đó không phải là việc của chúng và bạn sẽ rất khó để có thể dạy trẻ làm việc nhà.
Rồi khi chúng chẳng chịu phụ giúp bạn, bạn lại càu nhàu than phiền, thậm chí là dùng những hành động và lời dọa nạt được đề cập bên trên với trẻ để buộc chúng phải tuân theo ý mình.
Mình nghĩ ai làm mẹ rồi cũng đều gặp phải những lỗi sai như vậy.
Thứ nhất, hành động đe dọa như vứt đồ chơi sẽ khiến cho trẻ có suy nghĩ rằng món đồ đó không quan trọng, và các bé sẽ hiểu việc ném bỏ món đồ gì đó là rất bình thường. Dần dần chúng sẽ bắt chước hành vi của người lớn, nếu cảm thấy không hài lòng thì sẽ vứt đi.
Thứ hai, việc dọa nạt chỉ làm trẻ sợ hãi nhất thời mà chẳng khiến trẻ nhận ra được hành vi của mình chưa đúng để mà sửa đổi. Trẻ chỉ dọn dẹp vì chúng sợ cha mẹ sẽ đánh đòn hoặc vứt đi món đồ chơi yêu thích của mình. Nhưng nếu một ngày nào đó trẻ chẳng còn bị tác động bởi nỗi sợ thì mọi việc sẽ “đâu lại vào đấy” mà thôi.
Do đó, giải pháp tốt nhất để dạy trẻ làm việc nhà chính là xây dựng sự tự lập ở trẻ từ những việc nhỏ nhặt nhất.
Vậy làm sao để dạy trẻ làm việc nhà và hình thành thói quen tự dọn dẹp mà không có đòn roi hay nước mắt?
Với những người có não bộ dễ bị mất tập trung khi đồ đạc bừa bộn như mình thì việc bước vào một căn phòng ngổn ngang đồ chơi của con thiệt là một cơn ác mộng. Đã vô số lần tâm trạng mình trở nên cực kì tồi tệ khi phải đối diện với một căn phòng rối tung bởi ba đứa trẻ nhà mình tạo ra. Tuy nhiên, sau khi bình tĩnh lại, mình nghĩ điều mình cần làm không phải là nổi nóng mà thay vào đó là cố gắng thay đổi hành vi của chúng. Và đây là những cách mình đã áp dụng:
Nội dung bài viết
ToggleQuy định thời gian dọn dẹp đồ chơi
Mình tập họp ba đứa nhỏ nhà mình lại và thống nhất với chúng về mốc thời gian mà chúng cần phải dọn dẹp đồ chơi: trước bữa ăn, trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ. Bạn cũng có thể quy định mốc thời gian như mình hoặc biến tấu tùy vào thời gian sinh hoạt của gia đình bạn nhưng cần đảm bảo là bọn trẻ cảm thấy thoải mái với những khung giờ đó.
Hãy tạo thói quen dọn dẹp nhỏ hằng ngày để những lúc dọn dẹp luôn tràn ngập niềm vui.
Ngoài ra, bạn hãy thử quan sát những món đồ chơi mà các con hay chơi và tinh gọn những loại đồ chơi mà chúng ít đụng đến hoặc những món gây nhiễu, thiếu sự tương tác hoặc không có tính giáo dục khi chơi chẳng hạn như các loại đồ chơi phát âm thanh. Trẻ thường rất nhanh chán với những món đồ chơi kiểu này, và tính tương tác của chúng cũng không cao.
Việc giảm bớt đồ chơi vừa giúp trẻ không bị “ngợp” khi dọn dẹp mà còn mang đến giờ chơi chất lượng hơn cho trẻ. Ngoài ra, nó còn giúp bạn cân nhắc kỹ hơn khi mua đồ chơi cho trẻ sau này.
Khuyến khích, tạo động lực để trẻ dọn dẹp
Khi bạn giao việc nhà cho tụi nhỏ, chúng sẽ rất háo hức, và quan trọng hơn là chúng cảm thấy bản thân rất quan trọng đối với gia đình. Khi chúng hoàn thành xong công việc được giao, thay vì xem chuyện đó là đương nhiên mà hãy nói những lời động viên, khích lệ con. Như người lớn, trẻ con cũng rất thích được khen ngợi và công nhận.
Mình thường hay nói với ba đứa trẻ nhà mình rằng: “Hôm nay nhìn căn nhà sạch hơn, gọn gàng hơn vì các con đã không vứt lung đồ chơi của mình, điều này khiến mẹ rất vui. Và vì không phải dọn dẹp nhà nên mẹ có nhiều thời gian để chơi và nấu những món ngon cho các con hơn. Mẹ cảm ơn các con đã phụ mẹ dọn dẹp nhà nha.”
Chỉ là một hành động nhỏ thôi nhưng sẽ truyền năng lượng tích cực để con có thể tiếp tục thực hiện điều đó vào ngày mai.
Trao quyền cho con
Mình thường lên một danh sách những công việc nhà trong một ngày phù hợp với độ tuổi của mấy bé nhà mình, sau đó tập hợp chúng lại và trao đổi: “Hôm nay mẹ có những việc nhà sau cần phải hoàn thành. Các con xem có việc nào có thể giúp mẹ để mẹ có thể hoàn thành công việc sớm hơn và có thời gian chơi với tụi con không?”
Rồi chúng sẽ trao đổi và tự phân công công việc phải làm cho nhau luôn. Thi thoảng, chúng sẽ kiện nhau là “Con làm nhiều mà anh/em con làm ít hơn”. Những lúc đó mình chỉ trả lời chúng rằng: “Mẹ biết các con đã cố gắng rất nhiều. Nếu con nghĩ anh/em con chưa cố gắng thì tại sao con không thử nói chuyện với anh/em con xem sao? Con thử nghĩ xem có cách nào để giúp đỡ nhau không nhé?”
Mình ít khi can thiệp vào vấn đề của bọn trẻ nhà mình, một phần vì muốn giữ mối ôn hoà giữa chúng, một phần muốn chấp nhận mọi sự nỗ lực hoặc giới hạn của con. Chúng có thể chưa như mình mong đợi, nhưng mình tin một ngày nào đó không xa khi con đã thành thạo chúng sẽ làm tốt hơn rất nhiều.
Hãy kiên nhẫn từng chút một để giải thích cho chúng hiểu ý nghĩa của những công việc chúng đang làm.
Khi hiểu được rồi, trẻ sẽ dần dần xây dựng thói quen làm việc nhà. Và khi trưởng thành chúng sẽ biết vun vén cho chính cuộc sống của mình mà không gây phiền hà cho những người xung quanh.