Mỗi đứa trẻ là một món quà, nhưng chính môi trường khác biệt đã tạo ra những đứa trẻ khác biệt dù không có chủ đích. Và sự trưởng thành của một đứa trẻ không chỉ cần một người lớn dạy dỗ, mà có khi nó là sự trợ giúp của cả “một ngôi làng”.
Trong một lần trò chuyện cùng mẹ của một người bạn, bà ấy có ba người con, là chủ của các khách sạn và cơ sở kinh doanh ở Hokkaido, Tokyo và Thượng Hải, mình có hỏi bà rằng: “Điều gì là quan trọng nhất khi bác nuôi dạy con?”
Bà đã đáp rằng: “Điều quan trọng nhất trong việc nuôi dạy một đứa trẻ chính là cho chúng cảm nhận được tình yêu và sự hiện diện của ba mẹ trong từng trải nghiệm trong đời chúng.”
Mình tiếp lời bà: “Ở thế hệ của cháu, vẫn còn nhiều người dùng đòn roi và sự hà khắc để nuôi dạy trẻ. Cháu nghĩ người Nhật vốn coi trọng lễ giáo, bác có nghĩ rằng bác cũng từng nghiêm khắc vì muốn dạy lễ giáo cho con mình không?”
Bà suy nghĩ một hồi rồi nói: “Trước hết chúng ta cần phân định rõ giữa hà khắc và lễ giáo. Con trẻ cần được dạy về lễ giáo, nhưng không nhất định phải dạy bằng sự hà khắc đúng không nào?
Chẳng có đứa trẻ nào học lễ giáo chỉ qua vài bài học trên trường hay ở nhà, mà đó là sự tích lũy từng ngày từng ngày trong môi trường mà trẻ tiếp xúc để từ đó định hình nên nhân cách của chúng. Ta rất biết ơn vì sinh ra trong một đất nước xem trọng lễ giáo như Nhật Bản. Quy chuẩn thì có sẵn nhưng dạy như thế nào sẽ tùy vào từng người.
Nhưng ta tin rằng, cũng như lòng nhân ái, con người không thể học được lễ giáo nếu lúc nào cũng có vũ khí kề sát cổ họ và bắt họ học.”
Bà nở nụ cười và kết thúc.
Còn mình thì ngồi đó gật gù và nhớ lại một vài chuyện đã qua với cách cư xử kỳ lạ của những người được gọi là “người lớn”.
Đó là hình ảnh người đàn ông vừa tuộc quần một cậu bé ở chỗ đông người, vừa cười lớn vừa bảo: “Cho chú xem hàng có to không?”. Cậu bé đỏ người chạy trốn biệt. Rồi người đàn ông mở miệng cười chê rằng con trai gì nhát gan như mèo.
Đó là hình ảnh đứa cháu mình bị ép buộc chia sẻ đồ chơi cho đứa em nhỏ dưới sự thúc ép của người lớn xung quanh. Nếu tự đứa nhỏ biết sẻ chia là như thế nào thì nó đã làm điều đó trong vui vẻ, hạnh phúc chứ chẳng phải là khuôn mặt với những giọt nước mắt sắp chực trào.
Đó là hình ảnh đứa bé gái bị nói thẳng vào mặt rằng: “Con gái đẻ cho lắm chẳng được tích sự gì, lớn lên lại đi lấy chồng, bố mẹ lại chẳng nhờ vả được gì.”
Đó là hình ảnh người hàng xóm vừa gõ chiếc roi mây liên tục vào người cậu con trai, vừa la lối rằng đứa con hỗn xược, ương bướng. Nhưng họ chưa bao giờ cho đứa nhỏ có cơ hội lắng nghe, trình bày mà chỉ có tiếng chửi rủa một chiều.
Chẳng có đứa trẻ nào sinh ra tự dưng trở thành trẻ “mất dạy”, mà chính người lớn chúng ta đã đưa tiêm nhiễm những điều đó vào con trẻ qua cách hành xử của mình: dùng vũ lực để thể hiện sự yêu thương, dùng ngôn ngữ sắc nhọn để mỉa mai hay chửi rủa nhưng lại yêu cầu đứa trẻ tôn trọng mình, dùng sự lăng mạ, trêu đùa để làm vui nhưng lại muốn đứa trẻ phải tự tin và mạnh mẽ.
Bản thân người lớn có bao giờ tự soi chiếu việc mình có “Được dạy” hay “Mất dạy” hay không?
Mình biết dùng từ “mất dạy” sẽ mang hơi hướng rất nặng nề. Nhưng thực tế mình chỉ muốn nhắn nhủ đến những người lớn, những người tiếp xúc với con trẻ hằng ngày, hằng giờ là phải tự làm gương và đặt ra quy chuẩn “lễ giáo” cho mình trước khi muốn dạy dỗ trẻ.
Chỉ khi bản thân người lớn hành xử đúng đắn trước mặt con trẻ thì họ mới đang thực thi quyền được dạy. Còn nếu không thì chính họ đã tự tước bỏ quyền được “dạy dỗ” trước mặt mỗi đứa trẻ.
Theo cuốn sách của cựu phu nhân tổng thống – bà Hillary Rodham Clinton có tựa đề: “Cần một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”, trẻ con ghi nhận mọi thứ chúng nghe, nhìn và tiếp xúc và xã hội định hình nhận thức, nhân sinh quan của đứa trẻ khi trưởng thành.
Một đứa trẻ lớn lên trong xã hội coi trọng vật chất, coi trọng thành tích thì sẽ sớm vào cuộc đua tranh thành tích và những giá trị vật chất khác.
Vậy nên, ngừng ca thán hay phê phán khi những đứa trẻ cư xử sai chuẩn mực, và hãy xem nó như một sự soi chiếu, vì mỗi người lớn chính là hệ quy chiếu cho những đứa trẻ xung quanh họ.
Nếu có dịp đến thăm trường mình, bạn sẽ trải nghiệm một cách sâu sắc hơn về điều này. Hiện tại trường mình có nhận được tài trợ của chính quyền thành phố lên đến 600 triệu để mở chương trình “Family Exchange” – Sống thử tại địa phương, học thật tại trường – cho tất cả các gia đình có con đang ở độ tuổi mầm non và tiểu học. Gia đình nào muốn trải nghiệm thì có thể tham gia chương trình “Family Exchange” bên mình nha!
Ba mẹ có thể đọc thêm những bài viết khác của My tại đây nhé!