Thế hệ chúng ta, một thế hệ mà tuổi thơ chẳng biết Internet là gì, cả tuổi ấu thơ được tự do thả mình trong thiên nhiên: leo trèo, lội suối, bắt côn trùng, chơi những trò dân gian,… nhưng trẻ em bây giờ hoàn toàn ngược lại. Xã hội càng phát triển bao nhiêu, công nghệ càng tiên tiến bao nhiêu thì chúng càng bị bao bọc trong không gian kín bấy nhiêu. Những thú vui rất đỗi thân quen với chúng ta lại hoàn toàn xa lạ với con trẻ hiện tại.
Ở trường trẻ luôn bị “giam” trong 4 bức tường, được yêu cầu học những bài học đã định sẵn. Về nhà, trẻ phải học thêm, học năng khiếu mãi đến khi ngủ mới được tự do. Ngay cả bữa ăn cũng trở nên tạm bợ. Hoặc ba mẹ sẽ đưa cho chúng điện thoại, iPad để có thời gian làm việc riêng của mình. Có lẽ chưa lúc nào mà trẻ con Việt Nam lại bất hạnh và thiệt thòi như lúc này.
Khi đọc đến đây, hẳn bạn sẽ nghĩ rằng: “Trẻ con bây giờ sướng chứ đâu có khổ. Sống không thiếu gì, mưa không đến mặt nắng không đến đầu, chỉ có mỗi việc học thôi mà cũng không xong”. Có lẽ bạn từng vất vả ngoài đồng ruộng sau mỗi giờ đến lớp, từng mơ một bữa cơm ngon, từng ước một bộ quần áo đẹp. Nhưng đổi lại, bạn có tự do, có ước mơ và hy vọng để hướng về. Ngược lại, những đứa trẻ ngày nay dù rất đủ đầy nhưng lại luôn sống trong căng thẳng, và đôi khi, chúng mất cả hy vọng sống vì chẳng biết mình sống vì điều gì.
Mục đích cuối cùng của giáo dục chẳng phải là tập trung phát triển cảm xúc, sự sáng tạo và năng lực tự học tập suốt đời của chúng hay sao? Điều sẽ khiến chúng khác biệt so với những con robot, giúp chúng không bị đào thải bởi sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Và thiên nhiên chính là kho học liệu quý giá để nuôi dưỡng và phát triển những khả năng này của trẻ.
Nội dung bài viết
ToggleThiên nhiên – kho học liệu quý giá cho sự phát triển lâu dài của trẻ
Việc hạn chế tiếp xúc với môi trường tự nhiên có thể gây ra “Chứng rối loạn thiếu hụt tự nhiên” (được tác giả, nhà báo Mỹ Richard Louv giới thiệu vào năm 2005 trong quyển sách Last Child in the Woods). Béo phì, thể chất kém, chậm phát triển các giác quan và cản trở việc xây dựng lòng tự tin của trẻ là một trong những biểu hiện đáng ngại của chứng rối loạn này.
Do đó, thấu hiểu tầm quan trọng của thiên nhiên trong việc phát triển cảm xúc và trí tuệ của trẻ nhỏ, năm 2020, chồng mình mua và khôi phục lại một khu rừng để phục vụ cho các hoạt động giáo dục ở trường. Đây là nơi để nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, môi trường, hệ sinh thái cho trẻ ở những năm đầu đời.
Khi làm giáo dục về môi trường cho trẻ nhỏ, chúng mình không truyền đạt những kiến thức, trách nhiệm theo cách tiếp cận của người lớn. Không phải các bài học “trồng cây gây rừng” – “bảo tồn động vật” trong sách vở hay các khái niệm về “Giờ Trái Đất”. Trẻ chỉ thực sự có trách nhiệm với môi trường khi chúng thực sự yêu thương môi trường mà mình tiếp xúc hằng ngày.
Hơn nữa, đối với trẻ dưới 10 tuổi, sự tò mò là tài sản vô cùng quý giá để trẻ phát triển khả năng học tập của mình. Nhiệm vụ của người lớn là hỗ trợ để trẻ luôn đắm mình trong sự tò mò. Và thiên nhiên chính là công cụ tối ưu để hỗ trợ cho điều đó. Cho trẻ được tự do học bằng bản năng và động lực bên trong của trẻ.
Trẻ học thông qua những sai lầm và thất bại: thử – sai – làm lại và cuối cùng là tự rút ra bài học. Không cần những trang sách giáo dục về môi trường, tự do khám phá thiên nhiên là những điều vô giá mà chúng mình cung cấp cho trẻ ở giai đoạn này.
“Tri thức mà không có tình yêu sẽ không bao giờ tồn tại được lâu dài. Tình yêu đi trước, chắc chắn tri thức sẽ đi sau.” – John Burroughs
Trong môi trường thiên nhiên, có tiếng nước chảy róc rách, có thanh âm của những loài côn trùng báo hiệu mùa xuân, có tiếng chim hót, tiếng ve sầu khi hè về, và cả tiếng đập cánh của đàn mối đất khi mùa đông đến… Tất cả những âm thanh này nuôi dưỡng cảm quan (âm thanh, màu sắc, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng…) của trẻ nhỏ. Và trẻ học được các bài học về thời tiết, bài học khí hậu bốn mùa và bài học về sự sống của môi trường tự nhiên. Nó đáng giá gấp ngàn lần so với các giờ học sinh học mà trẻ con buộc phải học thuộc lòng ngay tại lớp.
Lợi ích mà giáo dục bằng thiên nhiên mang lại cho trẻ
Chơi trong môi trường tự nhiên giúp củng cố kỹ năng hợp tác và phát triển ngôn ngữ
Ở các nước Bắc Âu họ tập trung cho trẻ xây dựng quan hệ bạn bè thông qua việc chơi trong môi trường tự nhiên. Và họ để trẻ tự do xử lý các vấn đề của mình trong khi chơi. Theo dữ liệu do National Wildlife Federation tổng hợp: Những đứa trẻ được chơi cùng nhau bên ngoài đã nâng cao kỹ năng xã hội. Ngoài ra, theo báo cáo của Viện Y tế quốc gia của đất nước này, họ chỉ ra rằng học tập và vui chơi bên ngoài có thể làm giảm các triệu chứng ADHD ở trẻ em Phần Lan.
Vui chơi trong tự nhiên giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng của mình, phát triển kỹ năng mềm thông qua tương tác với các trẻ khác trong các hoạt động nhóm đồng thời cũng phát triển các kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ.
Thiên nhiên kích thích các giác quan của trẻ
Khi trẻ quan sát những tán cây đung đưa trong gió, trẻ sẽ phát triển thị giác của mình. Khi trẻ nghe âm thanh của côn trùng, của những chú chim, tiếng bước chân trên những chiếc lá khô, thính giác sẽ được kích thích. Khi trẻ ngửi thấy mùi đất ẩm sau cơn mưa hoặc những bông hoa mùa xuân thơm ngát, khứu giác của trẻ sẽ thức tỉnh. Tất cả những cảm giác này đều góp phần quan trọng vào sự phát triển các giác quan của trẻ.
Giáo dục bằng thiên nhiên phát triển trí tưởng tượng
Thiên nhiên luôn đầy những điều diệu kỳ, là một phòng thí nghiệm mở để trẻ con tha hồ khám phá. Những đứa trẻ có thể dành hàng giờ để chơi đùa trong một vũng bùn. Lấm lem bùn đất nhưng vẫn cười một cách khoái chí. Hay tò mò ngồi quan sát “quân đội” kiến nghiêm túc tha mồi về tổ. Chính những điều này sẽ phát triển khả năng học tập suốt đời của trẻ chứ không phải giáo dục sớm hay bất kỳ điều gì khác.
Giáo dục bằng thiên nhiên giúp giảm căng thẳng
Một nghiên cứu năm 2020 với sự tham gia của 783 người lớn từ 42 quốc gia khác nhau chỉ ra rằng, những người tiếp xúc nhiều với thiên nhiên trong thời thơ ấu có khả năng sáng tạo, tò mò hơn và ít lo lắng, trầm cảm hơn khi trưởng thành.
Tại Phần Lan, những rừng cây lá thông, những bếp lửa nổ lách tách tạo nên các lớp học trong rừng. Các chương trình học tích hợp diễn ra trong rừng không có bài kiểm tra quy chuẩn hay đánh giá.
Trong môi trường tự nhiên, trẻ sẽ được tự do làm điều mình thích nào là im lặng khám phá, ồn ào với những trò chơi tập thể, leo trèo, lăn lộn và la hét,… những điều mà trẻ thường không được làm khi ở nhà. Hơn nữa, thiên nhiên còn mang lại cảm giác yên bình cho trẻ, giúp giảm tình trạng căng thẳng trong cuộc sống đối với trẻ em, giảm tình trạng lo âu trầm cảm ở trẻ vị thành niên.
Giáo dục bằng thiên nhiên củng cố cảm xúc tích cực
Khi những đứa trẻ chơi cùng nhau trong tự nhiên, chúng thường sẽ hợp tác để tạo ra các trò chơi và quy tắc vì không có bất kỳ một hướng dẫn hay quy định nào cần tuân theo. Khi tự mình tạo ra quy tắc và tìm cách giải quyết vấn đề, sự tin tưởng vào bản thân của trẻ sẽ được củng cố và phát triển.
Ở trường của mình, 60% hoạt động trong ngày của trẻ diễn ra trong rừng. Và các hoạt động đó đều là hoạt động tự do. Trẻ sẽ chơi theo ý thích và sự sáng tạo của bản thân chứ không theo bất kỳ sự dẫn dắt hay mệnh lệnh nào từ người lớn.
Nhiều người nghĩ rằng mùa đông lạnh lẽo hay mùa hè nóng bức sẽ thật khắc nghiệt và khó khăn cho trẻ nhỏ ở trong rừng lâu như thế. Nhưng đó chỉ là người lớn cảm nhận bằng trải nghiệm của mình, thực tế, chỉ có tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc.
Giáo dục bằng thiên nhiên giúp trẻ học cách trân quý những điều mình đang có
Các nhà giáo dục Bắc Âu cho rằng những gì mà bọn trẻ cần chính là những thứ chúng có thể mang theo khi tiến về phía trước, gồm quy tắc xã hội và những giá trị cần được bảo tồn. Và thiên nhiên chính là thứ cần trân quý và bảo tồn. Trong ý niệm của người Bắc Âu, họ cho rằng con người hiện tại đang vay mượn thiên nhiên của con cháu để tồn tại. Hoạt động giáo dục trong thiên nhiên, chơi trong thiên nhiên chính là sự giáo dục hướng đến chân, thiện, mỹ của con người. Thông qua cách giáo dục này, trẻ sẽ tự nhận biết được quan điểm của mình? Vì sao mình chọn cái này? Vì sao cần phải đấu tranh cho việc này? Điều vô cùng quan trọng cần dạy ở trường mầm non.
Thiên nhiên trong văn hóa Nhật Bản
Trong văn hóa Nhật Bản, thiên nhiên đóng vai trò vô cùng quan trọng. Và người Nhật có hẳn một phương pháp trị liệu gọi là Shinrin Yoku (tắm rừng). Nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một hình thức tắm ở trong rừng nhưng thực chất không phải vậy. “Tắm” ở đây không đề cập đến nước mà là sự đắm mình trong không khí của khu rừng.
“Tắm rừng” là một khái niệm mới xuất hiện vào những năm 1980 khi chính phủ Nhật Bản nhận thấy các tác động tiêu cực của công nghệ đối với cuộc sống con người. Shinrin Yoku cũng được chính phủ thêm vào chương trình sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, trong giai đoạn khoa học sơ khai, các nhà khoa học đã phát hiện ra thiên nhiên không chỉ tác động đến tâm lý con người mà cây cối tiết ra một chất hóa học gọi là phytoncides (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi chống vi khuẩn), được cho là giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của con người.
Nhận biết được tầm quan trọng đó, các nhà giáo dục Nhật Bản đã đưa thiên nhiên vào giáo dục từ rất sớm, cũng như bắt đầu với các mô hình “trường học trong rừng”. Đây là mô hình giáo dục bậc nhất thế giới xuất phát từ các nước Bắc Âu như Phần Lan, Đan Mạch hay Thụy Điển…
Còn ở Việt Nam thì sao? Mình xin mượn tạm ý của nhà báo Thái Hạo để luận đàm cùng bạn đọc: “Trường học Việt Nam nhìn từ bên ngoài giống như doanh trại quân đội. Nhìn từ bên trong giống như cái bệnh viện”. Liệu những đứa trẻ hàng ngày phải trải qua môi trường như vậy có thể sải cánh bay cao và có khát khao “học tập suốt đời” không? Hay giáo dục chỉ là sự phục vụ để tạo ra những con người “biết nghe lời, biết tuân thủ” như một con robot chỉ làm theo mệnh lệnh. Chia sẻ ý kiến của bạn cho mình biết với nhé!
Nguồn tham khảo:
1. R. Moore, H. Wong – Natural Learning: Rediscovering Nature’s Way of Teaching MIG Communications, Berkeley, CA (1997)
2. William Crain, How Nature Helps Children Develop, Montessori Life, summer 2001, 2001.
3. Fjortoft, J. Sageie The natural environment as a playground for children: LANDSCAPE description and analysis of a natural landscape – Landscape Urban Plan., 48 (1/2) (2000), pp. 83-97
4. S. Cottrell, J. Raadik-Cottrell, Benefits of outdoor skills to health, learning and lifestyle. A literature review: Association of Fish & Wildlife Agencies’ North American Conservation Education Strategy, 2010.
5. Richard Louv Childhood’s Future Doubleday, New York (1991)
Ruth A. Wilson The wonders of nature: honoring children’s ways of knowing Early Childhood News, 6 (19) (1997)
6. Nancy M. Wells, Gary W. Evans – Nearby nature: a buffer of life stress among rural children Environ. Behav., 35 (3) (2003), pp. 311-330
7. Snell, TL, Simmonds, JG, Klein, LM, (2020)