“Một đứa trẻ bước vào thế giới mà không có tính kiên cường giống như việc một đứa trẻ sơ sinh vào sân chơi dành cho trẻ lớn”.
Theo chuyên gia so sánh trên thế giới, năm 2004, tự tử là nguyên nhân thứ ba gây tử vong cho trẻ em từ 10 – 14 tuổi. Dữ liệu này nói lên điều gì?
Đó chính là thế giới trẻ thơ không phải luôn màu hồng, và làm trẻ con thì chẳng có gì lo nghĩ như người lớn vẫn tưởng. Những vấn đề của trẻ đa dạng không kém người lớn: thích nghi với môi trường mới khi đi học, bị bạn bè hay anh chị em trong nhà bắt nạt, bị thầy cô đánh, mắng, bị tổn thương từ ba mẹ độc hại,… Những điều này sẽ tạo nên những gián đoạn nghiêm trọng trong việc phát triển cảm xúc và tinh thần lành mạnh của trẻ. Kỹ năng có thể giúp trẻ vượt qua tất cả chính là khả năng phục hồi (tính kiên cường).
Nội dung bài viết
ToggleKhả năng phục hồi là gì?
Khả năng phục hồi hay còn gọi là sự kiên cường bao gồm nhiều khía cạnh như: sự tự tin nội tại, khả năng thích ứng, suy nghĩ lạc quan…
Đây là một “từ khóa” quan trọng khi đề cập đến giáo dục trẻ nhỏ. Trong suốt những năm làm giáo dục mầm non tại Nhật, mình có cơ hội phỏng vấn các nhà giáo dục tại đây, họ đều cho rằng “Bây giờ, điều trẻ cần nhất là sự kiên cường”.
Trong một bài báo trên tạp chí Harvard Business Review, một nhà sáng lập và chủ tịch người Mỹ đã viết: “Không phải kinh nghiệm, mức độ kiên cường của một người sẽ quyết định sự thành công và khả năng đối mặt của họ dù là bệnh nhân ung thư, vận động viên trong thế vận hội hay nhân viên văn phòng”.
Và yếu tố quan trọng nhất tạo nên tính cách kiên cường chính là sức mạnh tinh thần. Điều quyết định khả năng phục hồi, sự vươn lên, không bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn, thử thách,… Đây nên là bài học vỡ lòng của bất kỳ đứa trẻ mầm non nào thay vì những bài học thuộc lòng, những bài kiểm tra phục vụ cho việc thi đua thành tích…
Vậy làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ kiên cường?
Cho trẻ sự tự do trong suy nghĩ và quyết định
Ba mẹ hãy lùi lại và cho trẻ không gian để suy nghĩ “phải làm gì” hơn là đưa ra giải pháp cho chúng ngay lập tức. Nếu trẻ vô tình làm đổ nước ra sàn nhà hay vẽ những dòng nguệch ngoạc trên tường, đừng vội la mắng hay trách móc, hãy để con suy nghĩ và tự đưa ra giải pháp của chính mình. Từ đó giúp con hình thành tư duy phân tích và giải quyết vấn đề, tự tin vào năng lực của bản thân.
Trong thời đại tràn ngập thông tin như hiện nay, nếu trẻ không có khả năng suy nghĩ cho chính mình, trẻ sẽ bị lung lay bởi những thông tin nhiễu loạn và sai sự thật. Hơn nữa, kỷ nguyên chúng ta đang sống là kỷ nguyên công nghệ và trí tuệ nhân tạo, khả năng suy nghĩ, phán đoán, sáng tạo là yếu tố giúp con người không bị thay thế bởi robot.
Sau tất cả, một đứa trẻ sẽ có bao nhiêu kinh nghiệm nếu ba mẹ luôn hét lên “Đừng phá đồ chơi”, “Đừng nhét cái đó vào miệng”, “Con sẽ làm đổ thức ăn ra ngoài nếu tiếp tục làm như vậy…”. Khi con vẫn trong vòng an toàn, hãy im lặng và quan sát chúng, tôn trọng quyết định của chúng, dù quyết định đó có “sai” theo định nghĩa của người lớn đi chăng nữa. Vì con chưa có thông tin cũng như nhiều trải nghiệm như người lớn, vậy nên chưa có khả năng tự đánh giá kết quả của hành động.
Sai lầm là đặc quyền của con trẻ. Điều quan trọng trong tuổi thơ mà cha mẹ có thể đảm bảo không phải là sự thành công hoàn hảo mà là khả năng tự suy nghĩ và quyết định, cố gắng, thử và thất bại.
Muốn nuôi dạy một đứa trẻ kiên cường, hãy để con cảm giác tự chinh phục
Cảm giác thành công và thất bại đều rất quan trọng với sự phát triển của trẻ.
Không ít ba mẹ gặp phải tình huống này: Đứa trẻ một tuổi của bạn rất thích leo cầu thang hoặc trèo lên những nơi có địa hình gồ ghề. Khi nhìn thấy điều đấy, ngay lập tức, bạn sẽ bế hoặc ngăn cản con trước việc đó. Bạn cố giải thích rằng điều đó là nguy hiểm, con sẽ đau nếu bị ngã. Nhưng con vẫn không chịu và gào khóc.
Bạn biết không? Khi con bạn mới biết đi, nó muốn chinh phục và thử thách bản thân bằng một trải nghiệm mà con chưa từng có trước kia.
Sẽ có vô số lần, bọn trẻ tự thách thức và chinh phục bản thân theo cách như vậy. Sự thách thức sẽ tăng dần theo độ tuổi của bé. Còn ba mẹ vì không muốn con bị thương nên cũng vô số lần ngăn chặn ý muốn của trẻ. Tuy nhiên, đôi khi, điều đó không thực sự cần thiết. Cảm giác muốn chinh phục, muốn trải nghiệm của trẻ quan trọng hơn là kết quả thành hay bại.
Những đứa trẻ của mình rất thích giúp mẹ làm bếp. Mình mua cho con những dụng cụ dao, kéo chuyên dành cho trẻ em để con có thể giúp mẹ cắt rau củ, hoa quả nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn. Thay vì ngăn cấm con, mình tìm cách để hỗ trợ và đồng hành cùng con thực hiện mong muốn của mình.
Cảm giác muốn tự tay làm điều gì đó chính là động lực để nuôi dưỡng sự tự tin nội tại của trẻ. Một đứa trẻ kiên cường luôn tin rằng chỉ cần mình cố gắng, nó sẽ làm được dù là khó khăn.
Cuộc sống luôn không bằng phẳng như mong đợi. Những đứa trẻ sớm từ bỏ chính là những đứa trẻ không có cơ hội được chinh phục và sớm tin rằng bản thân không có khả năng.
Trân trọng cảm xúc của con
Khi trẻ bị thương, chúng ta lại bảo chúng mạnh mẽ lên và không được khóc. “Con nín đi, bị thương có chút xíu mà khóc hoài.”, “Con trai mà mít ướt quá, mạnh mẽ lên xem nào.”, Hoặc ngay cả khi giận dữ, nhiều ba mẹ lại bắt trẻ bình tĩnh và cấm không được giận. Cảm xúc không có sai hoặc đúng. Đôi khi sự bùng nổ của trẻ không phải vì không được đáp ứng nhu cầu, mà vì sự chối bỏ cảm xúc của ba mẹ.
Thể hiện cảm xúc cũng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Ba mẹ đừng cố bảo vệ con khỏi những rối loạn cảm xúc hoặc hình thành suy nghĩ trong con rằng cảm xúc tiêu cực là không tốt. Hãy cho con được giải tỏa trước khi giáo huấn. Một đứa trẻ kiên cường là đứa trẻ được chấp nhận và giúp đỡ để vượt qua các cảm xúc khó khăn.
“Mình nghĩ rằng sau này nếu mình có con, và những đứa con của mình buồn bã vì một điều gì đấy. Mình sẽ không nói với chúng rằng nhiều người đang chết đói ở Trung Quốc hay bất cứ điều gì tương tự vì nó chẳng thay đổi được sự thật là chúng đang buồn. Và thậm chí nếu mình kể cho chúng về việc người khác gặp tình trạng còn tồi tệ hơn nhiều thì cũng chẳng thay đổi được sự thật rằng chúng đang buồn.” – The Perks of Being Wallflower
Để nuôi dạy một đứa trẻ kiên cường hãy cho trẻ hòa mình cùng thiên nhiên
Mình thấy trẻ con Việt Nam phải học quá nhiều dù là trẻ mầm non. Thời khóa biểu của tụi nhỏ được lấp đầy bởi những kế hoạch định hướng của ba mẹ để đảm bảo thành công trong tương lai. Nào là học đàn, học võ, học làm bánh, học ngoại ngữ, học toán thông minh,… khiến bọn trẻ chẳng còn thời gian vui chơi. Khi về nhà, ba mẹ lại phát cho điện thoại, iPad để có thời gian làm việc riêng của mình. Và thời gian trẻ thực sự được hòa mình trong môi trường tự nhiên rất ít, nếu không nói là hiếm.
Bạn có nhớ về tuổi thơ của mình không? Bạn đã đắm mình trong những dòng suối mát lành. Vùi mình trong cát hoặc trượt mòn đít quần với đất đỏ. Những buổi tối thả mình trong mùi rơm rạ ruộng đồng… Những thứ ấy bây giờ trở nên xa xỉ với các con của bạn, phải không?
Ba mẹ hãy thử dành thời gian cuối tuần, dẫn con đến những nơi mà chúng có thể tự do vui đùa cùng thiên nhiên. Trải nghiệm thử thách ở những địa hình khác nhau sẽ giúp trẻ nuôi dưỡng cảm giác chinh phục, trí tò mò từ đó hình thành khả năng học tập suốt đời. Ngoài ra, thiên nhiên cũng góp phần quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe tinh thần cho trẻ, giúp chúng có tâm lý kiên cường và là điều quyết định khả năng phục hồi của con bạn trong tương lai.
Cho phép con thất bại và đứng dậy sau những lần vấp ngã, cho phép chúng trải qua những cung bậc cảm xúc, hỗ trợ chúng tìm ra hướng đi để mọi thứ tốt đẹp hơn là những điều quý giá nhất mà bạn có thể trao cho con mình với tư cách là ba mẹ. Điểm số, chỉ số IQ không thể đảm bảo sự thành công của con bạn khi trưởng thành. Sẽ có nhiều thứ đắt giá hơn mà chúng ta không thể mua được, nhất là tuổi thơ lành mạnh của trẻ nhỏ.
Mời ba mẹ đọc thêm những bài viết về nuôi dạy con khác của Hamy tại đây.