Việc dạy con song ngữ sớm là một món quà tuyệt vời mà ba mẹ dành cho con. Tuy nhiên nếu vì chuyện học ngoại ngữ mà khiến con phải chịu áp lực thì ba mẹ nên xem xét lại. Vì nỗi ám ảnh sẽ ở lại suốt đời ảnh hưởng đến chất lượng học tập của con trẻ.
Nội dung bài viết
ToggleDạy con song ngữ – Nỗi lòng của những người mẹ….
“Con gái em 6 tuổi mới bắt đầu học tiếng Anh thì có trễ quá không chị? Em thật sự rất bất an về việc bé có thể bị bỏ lại phía sau”
“Con em dạo này rất hay cáu gắt và mất kiểm soát. Em biết đây là kết quả của việc bản thân không kiềm chế được cảm xúc mà đánh con. Mọi việc bắt nguồn từ chuyện em ép con học tiếng Anh mỗi ngày. Ban đầu thì bé rất hợp tác, nhưng dần dần bé không còn tự giác học mà phải đợi mẹ nhắc. Em dùng mọi biện pháp từ dỗ dành đến đánh mắng để con chịu học. Tuy nhiên, gần đây ngoài việc nhất quyết không học nữa, bé còn hay đánh em, cố ý chọc em giận. Nhưng em vẫn không muốn con bỏ ngang vì bé đã nói được một số câu tiếng Anh khá tốt. Em nên làm thế nào ạ?”
Mình hiểu được cảm giác của những người mẹ, ai cũng muốn tốt cho con cả. Việc dạy con song ngữ sớm cũng không có gì là sai. Nói được song ngữ từ sớm là món quà tuyệt vời mà ba mẹ dành cho con. Tuy nhiên nếu vì chuyện học ngoại ngữ mà khiến con phải chịu áp lực thì ba mẹ nên xem xét lại.
Vì xét cho cùng, mục đích của học ngoại ngữ sớm là không chỉ để trẻ nói được ngôn ngữ đó mà còn giúp trẻ có độ nhạy về ngôn ngữ, phát triển các loại trí thông minh khác sau này. Không bao giờ là quá muộn để trẻ bắt đầu học một ngôn ngữ mới, 6 tuổi cũng được, 10 tuổi cũng được. Vì “học cái gì” không quan trọng bằng việc “học như thế nào“.
Câu chuyện của gia đình mình và kinh nghiệm dạy con song ngữ
Gia đình mình là gia đình Nhật – Việt, nhưng phải dùng ngôn ngữ thứ ba để giao tiếp. Đó vừa là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu trong việc chúng mình dạy con thực hành đa ngôn ngữ. Tuy 3 đứa nhỏ nhà mình có thể nói được hai thứ tiếng ( tiếng Việt và tiếng Nhật), nhưng chúng lại không thể tư duy sâu (deeply thinking) bằng tiếng Việt lẫn tiếng Nhật như các bạn cùng trang lứa, vì vốn từ chưa đủ.
Vốn từ vựng lớn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc học, hình thành tư duy sâu cũng như giúp kết nối các ý tưởng và thông tin tốt hơn. Và biết (sử dụng) nhiều từ hơn có thể truyền đạt những ý tưởng tốt hơn. Sự truyền đạt mạch lạc là một phần của tư duy logic ở trẻ.
Ví dụ: Trẻ có nhiều từ vựng về hệ sinh thái, về chủ đề sinh học thì sẽ có sự quan tâm hơn về những đề tài sinh vật học và tìm hiểu về chúng. Như Albert Einstein, từ 4 tuổi, cha ông đã tặng ông chiếc la bàn. Và cũng từ đó, các khái niệm về khoa học bắt đầu hình thành trong tâm trí ông. Dù ông được biết đến là người chậm phát triển ngôn ngữ.
Vậy nên, để bù lại hạn chế này, vợ chồng mình phải nỗ lực gấp 10 lần người khác để tăng vốn từ vựng cho con bằng cách dành thời gian trò chuyện, đặt câu hỏi, chơi các trò chơi tìm từ vựng cùng con.
Dù dạy con cùng lúc 2 ngôn ngữ nhưng vợ chồng mình đều thống nhất rằng: “Mỗi người chỉ nói một ngôn ngữ với con” để tránh con bị “loạn ngôn ngữ”. Khi con trò chuyện với ba mẹ, luôn hướng dẫn con nói các câu hoàn chỉnh để giúp con cải thiện khả năng giao tiếp. Trẻ con hay dùng các từ ngắn để biểu đạt mong muốn, trước khi đáp ứng nhu cầu của con phải dẫn dắt con nói lại theo thể lịch sự.
Ví dụ: Khi con nói “cơm” – Mẹ chỉnh con: “Mẹ cho con xin cơm” hoặc “mẹ lấy thêm cơm giúp con”; khi con muốn uống nước, con nói “khát nước” – mẹ bày cho con: “Mẹ có thể cho con nước không?”hoặc “Mẹ lấy nước giúp con”…. Tuy chỉ là thói quen nhỏ nhưng điều này giúp con biểu đạt mong muốn của mình, cải thiện kỹ năng giao tiếp và tăng vốn từ cho con.
Điều cần lưu ý khi dạy con song ngữ
Nếu bạn và chồng đều là người Việt và chỉ sinh sống tại Việt Nam thì không có gì lo ngại khi con bạn chưa bắt đầu học ngoại ngữ cả. Mỗi đứa trẻ đều có giai đoạn phát triển phát nhau, đừng so sánh con mình với con người khác rồi tự tạo áp lực cho bản thân mình và cả đứa trẻ.
Thay vì lo lắng khi con chưa nói được ngoại ngữ thì ba mẹ hãy tập trung vào việc phát triển vốn từ vựng bằng tiếng mẹ đẻ, trò chuyện cùng con bằng những câu nói hoàn chỉnh, đúng ngữ pháp tuy có phần hơi cải lương như “Mẹ đánh giá cao sự nỗ lực của con; Tuy hôm nay mẹ… nhưng mẹ sẽ xem xét yêu cầu của con; Mẹ nghĩ đây là điểm mạnh của con, mẹ rất vui vì con luôn nỗ lực,…”
You don’t see with your Eyes, you see with your Brain. The more words your Brain has, the more things you can see” (Tạm dịch: Bạn không nhìn thấy mọi thứ bằng mắt mà nhìn bằng trí não. Khi bạn có nhiều từ hơn trong não, bạn sẽ nhìn thấy nhiều thứ hơn”)
Khởi điểm của mọi sự học nên bắt nguồn từ tình yêu. Ở giai đoạn 0-6 tuổi là giai đoạn não bộ phát triển mạnh để hoàn chỉnh 90% hệ thần kinh trung ương của con người. Việc cho con nhiều tình yêu, sự ân cần và điềm đạm trong giai đoạn này sẽ giúp trẻ có một hệ thần kinh khỏe mạnh – là tiền đề cho việc học sau này. Chỉ khi con yêu những gì mình học thì con mới có động lực để thực hiện nó hằng ngày mà chẳng cần ai nhắc nhở.
Vì vậy, ba mẹ không nên quá đặt nặng vào kết quả của con như nào. Không cần con phải nói tốt như con “nhà người ta”, chỉ cần con tốt hơn con của ngày hôm qua là đủ rồi.
Ba mẹ có thể giúp con có độ nhạy ngoại ngữ bằng cách cho con nghe ngoại ngữ nhiều thông qua âm nhạc, các bộ phim hoạt hình nước ngoài, đọc sách, kết bạn với người ngoại quốc, gặp gỡ và chơi cùng họ… từ đó sẽ xây dựng tình yêu ngoại ngữ trong con.
Lời cuối
Ngày xưa, bạn được dạy tiếng Anh và cần có tiếng Anh để làm lợi thế khi đi xin việc. Nhưng trong tương lai, sự tiến bộ của công nghệ AI có thể giúp con người giao tiếp dễ dàng mà không cần nói tiếng Anh như người bản xứ. Điều các nhà tuyển dụng tương lai cần không phải là tiếng Anh mà là các kỹ năng như sáng tạo, làm việc nhóm, kiên trì, và các kỹ năng không nhận thức khác… Hơn thế nữa, con bạn không cần phải đi xin việc mà tự làm chủ chính mình trong tương lai. Việc nuôi dạy con cái là chuẩn bị các kỹ năng để trẻ có thể sống tốt ở thời đại của chúng trong tương lai, không phải là thời đại của chúng ta ở hiện tại.
Việc ép con nói được một ngôn ngữ nào đó chỉ vì những đứa trẻ khác đều như vậy, giống như việc bạn đang “nhân bản vô tính” và chẳng quan tâm gì đến việc cá tính riêng biệt của từng đứa trẻ vậy. Nó giống như một trò chơi mà khi bạn thêm một cái gì đó thì phải trừ bớt một thứ khác. Và thật không may khi bạn đang cố “cộng” một ngoại ngữ nào đó cho con thì cũng là lúc bạn đang trừ đi sự tự tin, tính sáng tạo, và niềm đam mê học hỏi đang có ở đứa trẻ.
Mẹo nhỏ từ Hamydesu
Xin chia sẻ thêm, ở Nhật, mình có rất nhiều bạn bè là người nước ngoài. Gia đình mình thường mời họ đến nhà ăn tối, và giới thiệu món ăn Việt Nam. Và họ cũng mang đến những món ăn của đất nước họ để giao lưu cùng gia đình mình. Có những buổi tiệc mà chúng mình sử dụng đến 5 ngôn ngữ, cùng chơi với trẻ con, chia sẻ những câu chuyện về văn hóa của mỗi đất nước. Điều này giúp bọn trẻ tiếp nhận văn hóa đa dạng từ sớm và khơi nguồn cho tình yêu ngoại ngữ. Chúng học cách nói xin chào và cảm ơn bằng tiếng của nước bạn, rồi hạnh phúc khi nói được một vài từ đơn giản. Đó là cách chúng mình bồi đắp tình yêu khám phá thế giới rộng lớn của con.
Ở Việt Nam luôn có những hội nhóm người nước ngoài chẳng hạn như: Danang Expat Mom ( Hội các mẹ người nước ngoài ở Đà Nẵng), EXPATS IN SAIGON (Ho Chi Minh City)… Các mẹ có thể tìm thêm các hội tương tự ở địa phương để kết nối và tìm bạn cho con. Mình tin rằng những người mẹ ngoại quốc ở Việt Nam cũng muốn tìm hiểu về văn hóa – gia đình Việt Nam và cần một người bạn để chia sẻ cuộc sống nơi xa xứ. Mình hy vọng điều này sẽ hữu ích cho bạn.
Đừng quên chia sẻ và đăng ký để đọc các bài viết tiếp theo của mình nha.