Khi trẻ mới sinh ra, não có 100 tỷ tế bào thần kinh. Con số này tăng theo cấp lũy thừa trong những năm đầu đời và giảm dần khi trẻ bắt đầu lớn lên. Hiểu được điều đó, các bố, các mẹ thường tăng cường bổ sung các loại Omega 3, cho con tham gia đủ các thể loại lớp học như toán thông minh, học đàn, học vẽ, học ngoại ngữ, luyện siêu trí nhớ,… nhằm phát triển não bộ, giúp con thông minh. Điều đó không có gì là sai cả, vì ba mẹ đang cố gắng mang lại những điều tốt nhất cho con. Nhưng với kinh nghiệm nhiều năm trong việc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mầm non, mình nhận thấy rằng sự tương tác của ba mẹ với trẻ trong những năm đầu đời mới chính là yếu tố then chốt trong việc quyết định trí thông minh của trẻ.
Nội dung bài viết
ToggleThứ nhất: Tiếp xúc nhiều với môi trường tự nhiên sẽ giúp phát triển trí thông minh của trẻ
Bạn có biết không, môi trường tự nhiên đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển trí não của trẻ. Việc cho trẻ tiếp xúc nhiều với thiên nhiên sẽ giúp kích thích trí não, phát triển toàn diện các giác quan của trẻ.
Đối với trẻ nhỏ, giai đoạn trước 6 tuổi là thời kỳ não bộ tăng trưởng mạnh mẽ và thay đổi nhanh chóng nhất. Khi có trải nghiệm càng nhiều trong môi trường tự nhiên, càng kích thích ngũ quan phát triển.
Về cơ bản số lượng tế bào não đều như nhau ở mọi đứa trẻ, chính trải nghiệm của trẻ quyết định sự liên kết của khớp thần kinh. Số lượng khớp thần kinh càng nhiều, đại não càng vận động nhanh.
Trẻ có trải nghiệm nhiều trước ba tuổi thì trước sáu tuổi trẻ có thể thuận lợi tham gia các hoạt động tập thể, trước tám tuổi nâng cao IQ chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì. Đó là vì trước tám tuổi là thời gian sinh ra nhiều khớp thần kinh nhất. Sau 8 tuổi các khớp thần kinh không dùng tới sẽ bị biến mất. Từ 8 tuổi trở đi, trẻ sẽ hình thành xu hướng tính cách yêu ghét rõ rệt. sở trường hay sở đoản cũng đã được xác lập trong giai đoạn này.
Vì sao thiên nhiên quan trọng trong vai trò phát triển não bộ?
Câu trả lời nằm ở sự đa dạng của thiên nhiên khi trẻ tiếp xúc trong các môi trường khác nhau, hoạt động khác nhau giúp trẻ có khả năng tự nhận biết, khả năng phán đoán và quyết định.
Ví dụ khi một em bé 6 tháng tuổi đang tập bò, nếu đặt em bé trên bờ biển đầy cát, hay bò trên thảm cỏ xanh, hay bò trên bề mặt có hình dạng dốc với chướng ngại vật… Theo bản năng, trẻ sẽ nhận biết sự khác biệt thông qua cảm nhận của các giác quan khi trẻ tiếp xúc. Trẻ sẽ biết địa hình nào sẽ di chuyển dễ dàng hơn, trẻ học cách quyết định nên xử lý thế nào trong môi trường như vậy; sự ma xát với cát, cỏ hay nền đất đá chính là chất xúc tác gia tăng nhận biết của trẻ. Thiên nhiên có vai trò tuyệt vời, là nguồn tài nguyên vô tận giúp trẻ phát triển trí não lẫn cảm xúc. Đọc nhiều hơn để biết vai trò của thiên nhiên trong giáo dục ở đây
Thứ hai: Dành thời gian tương tác với trẻ để kích thích khả năng tư duy nơi trẻ
Khi con còn là em bé sơ sinh, nên nói chuyện cùng con, giao tiếp bằng mắt để tăng sự chú ý và khả năng nhận biết của con. Tương tác cơ thể “skin-ship” cũng là từ khoá quan trọng nuôi dạy con thông minh những năm đầu đời ở Nhật Bản. Sự tương tác với ba mẹ còn mang cho trẻ cảm giác an toàn, kết nối, là tiền đề cho khả năng học hỏi, khám phá ở trẻ sau này.
Với trẻ nhỏ trước 6 tuổi thì việc phát triển tư duy sáng tạo quan trọng hơn là tư duy logic. Và cách phát triển tư duy sáng tạo tốt nhất chính là thông qua hội họa và các trò chơi kích thích trí tưởng tượng như lắp ráp lego. Tuy nhiên, hội họa ở đây không có nghĩa là ba mẹ sẽ vẽ mẫu sẵn để trẻ bắt chước làm theo mà chính là để con tự do sáng tạo theo ý mình. Ba mẹ chỉ đóng vai trò người tham gia nhưng không can thiệp. Ba mẹ chỉ cần đưa giấy, bút để con tự do vẽ theo trí tưởng tượng của con. Giáo dục 0-6 tuổi ưu tiên đến cảm xúc, vì vậy bạn nên chọn các loại giấy có độ sần vì loại giấy này sẽ kích thích cảm giác của trẻ, đồng thời thấm màu tốt hơn.
Dù tác phẩm của con có thể “không đạt” theo tiêu chuẩn của người lớn vì giai đoạn này khả năng vận động tinh của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh. Những gì trẻ dưới 3 tuổi cần học đó là học cách dùng suy nghĩ để điều khiển đôi tay của mình. Nếu quá tập trung vào kết quả, trẻ sẽ cảm thấy bị ngộp, nghi ngờ khả năng của mình và có xu hướng nhờ ba mẹ làm hộ.
Ngoài ra khi tương tác với trẻ, bạn có thể đặt câu hỏi cho trẻ nhưng cách trẻ giải quyết như thế nào sẽ tùy thuộc vào bé. Hãy cho trẻ thời gian suy nghĩ và tự quyết định điều mình muốn làm, ba mẹ không hướng dẫn và làm hộ con. Vì khi ba mẹ đưa cho trẻ góc nhìn theo thế giới quan của mình thì óc sáng tạo của trẻ sẽ không có cơ hội phát huy. Bầu trời không phải lúc nào cũng màu xanh, mặt đất không nhất thiết phải màu nâu, hãy để con tạo nên một thế giới theo trí tưởng tượng của riêng mình.
Thứ 3: Muốn phát triển trí thông minh của trẻ hãy giáo dục không nước mắt
Dù bạn bổ sung bao nhiêu chất giúp con thông minh hay cho con hưởng thụ nền giáo dục tốt nhất nhưng nếu bạn thường xuyên la mắng, đánh đập con thì con bạn cũng chỉ là một đứa trẻ mang trong mình đầy sự tổn thương mà thôi.
Mình từng xem một chương trình trên kênh VTV7, trong đó có một tập kể về cô bé 11 tuổi. Từ nhỏ em đã luôn phải chịu đựng những lời gắt gỏng, đôi khi có phần cay nghiệt từ mẹ. Vì mẹ em là một người cầu toàn nên bà luôn mong muốn những đứa con mình phải càng ngày càng tốt hơn. Nhưng dù đứa trẻ có cố gắng thế nào cũng không bao giờ có thể làm hài lòng mẹ. Những lần gắt gỏng, đòn roi của mẹ đã hình thành sự thù hận nơi em, em đã từng có ý định sẽ làm việc gì đó để trả thù mẹ, khiến mẹ xấu hổ vì mình là sự trả thù hoàn hảo nhất đối với em. Bạn có tin rằng, một đứa trẻ 11 tuổi đã có thể nghĩ được như vậy không?
Ở Việt Nam, nhiều ba mẹ vẫn lấy nỗi sợ để nuôi dạy con. Họ tin rằng hình phạt và nỗi sợ sẽ giúp trẻ ngoan hơn. Tuy nhiên, sợ hãi chính là liều thuốc độc hại nhất phá vỡ kết nối thần kinh và làm rối loạn các chức năng thần kinh của trẻ.
Không có đứa trẻ hư. Chỉ có những hành vi chưa phù hợp. Chương trình giáo dục sớm hoàn hảo nhất mà ba mẹ có thể cho con là ba mẹ tự giáo dục chính mình.
Cách tốt nhất để phát triển trí thông minh và sự tự tin của con chính là tình yêu thương vô điều kiện của ba mẹ. Hãy học cách điềm tĩnh để cùng con trải qua những cảm xúc bùng nổ hay những lần con chống lại cả thế giới. Hãy cho con thấy rằng, dù cả thế giới quay lưng với con thì ba mẹ vẫn luôn là bờ vai vững chắc để con dựa vào.
Trí thông minh cần đi đôi với cảm xúc tích cực và lành mạnh. Thực tế đã cho thấy nhiều thần đồng lớn lên vì bị ép học quá mức, dẫn đến rối loạn nhân tính, trầm cảm, tâm thần phân liệt… Nhiều người thành công nhưng luôn mang theo nỗi hận ba mẹ bên mình.
Trước khi mong cầu con thành công, hãy cho con một nhân cách tốt bằng tình yêu và sự ấm áp từ gia đình. Thông minh dựa trên cảm xúc lành mạnh mới chính là món quà tuyệt vời nhất mà ba mẹ có thể chuẩn bị cho con.