Chẳng ai trong chúng ta muốn bị mắng cả dù là người lớn hay trẻ con. Mình có dịp trao đổi với mấy người bạn của mình ở Nhật cũng là mẹ bỉm sữa thì đa số đều từng ít nhất một vài lần mắng con. Mình cũng không ngoại lệ.
“Làm mẹ khó lắm, phải đâu chuyện đùa”.
Làm mẹ đã khó, huống gì làm một người mẹ hiền như “thiên thần”, lúc nào cũng hiền hòa với con ngay cả khi tụi nhỏ có quậy “bung nóc” đi chăng nữa.
Thú thật, mình chưa đạt đến cảnh giới đó đâu. Mình vẫn đôi lần mắng con, nhưng lý trí của mình vẫn còn tỉnh táo để không làm tổn thương con.
Trong bài viết này mình xin chia sẻ một số điều bạn cần lưu ý khi mắng con để tránh tổn thương đến sự phát triển cảm xúc của trẻ.
Nội dung bài viết
ToggleNguyên tắc thứ nhất – Không mắng con chỉ để thỏa mãn cảm xúc bản thân
Những người bạn mà mình phỏng vấn đều là những bà mẹ công sở. Họ đều phải đi làm 8 tiếng một ngày, nên không có gì khó hiểu là họ phải chịu một áp lực rất lớn từ công việc cho đến gia đình, con cái.
Áp lực tích tụ lâu ngày khiến họ dần trở nên mất kiểm soát với cảm xúc của bản thân. Họ cáu gắt, dễ nổi nóng khi con họ không hợp tác hoặc không vâng lời.
Cũng có trường hợp chia sẻ vì mâu thuẫn với chồng hay mẹ chồng hoặc đồng nghiệp mà họ thường trút giận lên đứa trẻ.
Nhưng bản thân họ chẳng cảm thấy tốt hơn sau mỗi lần mắng con mà chỉ cảm thấy có lỗi hơn mà thôi.
Vì vậy, khi bạn cảm thấy bản thân không còn kiểm soát nổi cảm xúc của mình, hãy tìm nơi yên tĩnh để bình tĩnh lại cảm xúc trước khi tiếp tục trò chuyện cùng con. Điều này sẽ giúp cả bạn và con không bị tổn thương vì những lời trách mắng vô tình.
Nguyên tắc thứ hai – Lắng nghe trước khi trách mắng
Khi hai đứa con của bạn xung đột với nhau, mặc dù đã nhắc nhở nhiều lần nhưng tụi nhỏ vẫn tiếp tục. Và, cuối cùng là đứa nhỏ hơn khóc.
Bạn lập tức đến và hỏi: “Tại sao con lại đánh em?”
Dẫu biết, đứa lớn đánh em là không đúng, và bạn đang tức giận vì điều đấy. Tuy nhiên, câu hỏi của bạn đang vô tình quy chụp rằng đứa lớn là người có lỗi.
Hãy cố gắng bình tĩnh, thay đổi câu hỏi một chút: “Chuyện gì đã xảy ra vậy các con?”
Và để từng đứa nói ra suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Điều này sẽ giúp cả 3 mẹ con có thời gian ổn định cảm xúc và cũng thông qua đó giúp các con học cách giao tiếp, học cách thể hiện cảm xúc và sự đồng cảm từ người đối diện.
Cũng là một cách hỏi, hãy hỏi sao cho trẻ không cảm thấy bị tổn thương.
Nguyên tắc thứ ba – Hãy ngồi xuống để trao đổi ngang tầm với trẻ
Trẻ luôn có lý lẽ riêng khi làm hay không làm điều gì đó, nên có những lúc trẻ sẽ không làm theo yêu cầu của ba mẹ.
Bạn muốn con tắt tivi khi đến giờ cơm tối.
Bạn vừa nấu ăn trong nhà bếp vừa cố gọi lớn vào phòng khách “Tắt tivi để ăn cơm con nhé! Nào, 2 phút nữa thôi, giúp mẹ dọn bàn ăn đi”.
Mặc dù, những câu nói ấy có vẻ như chẳng có gì tiêu cực nhưng khi thông tin truyền đến não trẻ sẽ là: “Tắt tivi đi! Giúp mẹ dọn bàn ăn đi”.
Trẻ con thường khá nhạy cảm với các âm thanh lớn, đặc biệt là lời nói của ba mẹ.
Chúng sẽ cảm thấy an toàn và dễ chịu hơn nếu ba mẹ ngồi ngang tầm khi trò chuyện với chúng.
Nếu bạn đã thử nói chuyện nghiêm túc với trẻ, nhưng bé vẫn không làm theo ý bạn thì bạn có thể hỏi lý do và cho con có thời gian để điều chỉnh.
Khi mắng con vì không chịu làm một việc gì đó, nếu ba mẹ đứng và sử dụng ngôn ngữ “bề trên” để ra lệnh thì sẽ khiến con có cảm giác nhỏ bé, thấp kém.
Về lâu dài, nó sẽ gia tăng nguy cơ rối loạn lo âu trầm cảm khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành.
Nguyên tắc thứ tư – Cho trẻ biết lý do
Trẻ con rất giàu năng lượng. Chúng chạy loanh quanh chơi trò này trò kia suốt ngày mà chẳng “cạn kiệt” năng lượng.
Tuy nhiên, không phải trò chơi nào cũng phù hợp, ví dụ như nhảy từ bàn nhảy xuống hay vừa đánh răng vừa chạy giỡn.
Với những trường hợp này, vì sự an toàn của con, ba mẹ không thể làm ngơ.
Ba mẹ hãy thử ôm con vào lòng và giải thích cho bé hiểu rằng “Ba mẹ chỉ không đồng tình vì hành động nguy hiểm đó của con. Ba mẹ yêu con rất nhiều nên nếu con bị tổn thương thì ba mẹ sẽ rất buồn”.
Nguyên tắc thứ năm – Chỉ mắng con ngay tại thời điểm xảy ra tình huống. Không kéo dài, không gợi nhớ chuyện cũ, và không mắng con ở nơi công cộng
Trẻ con cũng có lòng tự trọng và cần được nuôi dưỡng sự tự trọng.
Việc thường xuyên nhắc lại lỗi lầm sẽ khiến lòng tự trọng của con “bị mài mòn”.
Lòng tự trọng nuôi dưỡng sự tự tin nơi con. Lòng tự trọng thấp sẽ khiến con trở nên tự ti, cảm thấy bản thân thấp kém.
Sự tự tin không phải đến từ việc con thông minh, giàu có, hay xinh đẹp mà phải đến từ chính nội tại bên trong con. Đó mới là sự tự tin cần thiết, và trẻ có được điều đó nhờ vào sự nuôi dạy của người lớn.
Nguyên tắc thứ sáu – Nhắc lại và khen ngợi nếu hành động của bé lặp lại một cách tích cực.
Nếu con mình giữ lời hứa tắt tivi trước giờ cơm tối, mình luôn cảm ơn, và khen ngợi con: “Con đã cố gắng giữ lời hứa với mẹ, mẹ thật vui vì điều đó. Mẹ biết là con rất thích bộ phim này, nhưng con vẫn giữ lời hứa với mẹ.”
Nếu con tự vệ sinh bàn ăn và dọn dẹp sau khi ăn, mình sẽ nói: “Con đã dọn dẹp thật cẩn thận nhỉ? Nhờ có con làm cùng mà việc dọn dẹp của mẹ nhanh hơn nhiều đấy.”
Nguyên tắc thứ bảy – Nếu phải giận dữ với con, hãy cho con một nơi trú ẩn
Nếu ba hoặc mẹ là người giận dữ khi con phạm lỗi thì người còn lại phải cho con một cái phao cứu sinh.
Vì con cũng cần một nơi trú ẩn khi phải đối diện với cơn thịnh nộ từ ba hoặc mẹ.
Khi còn nhỏ, thằng em trai mình rất nghịch.
Hầu như giờ cơm tối nào cũng là giờ no đủ đối với nó.
Có những hôm họ hàng hội họp, không hiểu vì lý do gì mà thằng em mình bị mẹ tẩn cho một trận “nhừ tử”.
Người lớn xung quanh mỗi người lại thêm vào một câu: “Tại con không nghe lời nên mới vậy.”
“Vì con đã hư nên bị đánh là phải rồi”.
Chẳng ai đứng ra để che chở cho thằng bé lúc đó cả.
Ngoài phân biệt đúng sai, trẻ con cũng cần học sự bao dung, tha thứ.
Làm sao đứa nhỏ có thể cảm nhận được sự yêu thương và bao dung khi không một ai che chở nó?
Chắc hẳn bậc làm cha làm mẹ không ai muốn con mình trở thành người vô cảm phải không nào?
Nguyên tắc thứ tám – Cha mẹ không cần phải là người chiến thắng
Dù có thể sai lầm là ở trẻ, nhưng cha mẹ nên lùi lại một bước, và nhường phần chiến thắng cho con.
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng vì mình là người lớn nên lúc nào cũng bắt buộc con nghe răm rắp lời của mình.
Nhưng điều đó có thật sự tốt hay không?
Một buổi sáng sau khi kết thúc bữa ăn, mình bảo các con rửa tay vệ sinh để chuẩn bị đi học.
Chân con trai mình có vết thương nên mình nói với thằng bé rằng “Mẹ sẽ giúp con thay băng cá nhân sau khi con rửa tay nhé”.
Nhưng chắc thằng bé không muốn phiền mình nên đã nảy lên ý tưởng thay băng cá nhân trước khi rửa tay.
Khi nhìn thấy bàn tay nhem nhuốc thức ăn đang gỡ miếng băng cá nhân và chạm vào vết thương hở, mình đã vô tình hét lên để dừng hành động của con lại.
Thằng bé giật mình và khóc lớn.
Mặc dù đang rất khó chịu nhưng mình vẫn cúi xuống hạ giọng xin lỗi con.
Có vẻ chưa hài lòng, thằng bé vùng vẫy.
Nếu không kiểm soát được cảm xúc, có lẽ mình đã hét lên một lần nữa và dạy cho con một bài học.
Nhưng điều đó chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa.
Phải thừa nhận rằng, ý định ban đầu của con là ý định tốt đẹp. Con chỉ muốn tự thay băng cá nhân để không làm phiền mẹ. Nhưng vì thằng bé chưa nhận thức được rằng phải rửa tay sạch trước khi thay.
Sở dĩ người lớn chúng ta biết được điều gì nên làm và điều gì không nên làm là bởi chúng ta đã có trải nghiệm sống trước con mà thôi.
Mình ôm thằng bé vào lòng để trấn an. Mình xin lỗi vì đã hét lên như vậy, cảm ơn con vì đã biết chủ động trong vấn đề của mình và giải thích cho con biết tại sao làm như vậy là không nên.
Dẫu biết việc ba mẹ trách mắng trẻ khi chúng làm sai là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên ba mẹ cần biết cách kiểm soát tốt tâm trạng của mình. Đừng để sự tức giận thiêu đốt lý trí mà nói ra những lời tổn thương con không thể vãn hồi.