Với tư tưởng “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nên nhiều cha mẹ cảm thấy việc nghiêm khắc với con cũng chỉ là tốt cho chúng, điều chỉnh hành vi của chúng trở nên tốt hơn mà thôi. Tuy nhiên, thực tế là nếu cha mẹ quá nghiêm khắc với con trẻ có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến tâm lý của chúng.
Mình có thời gian dài làm việc với trẻ nhỏ cụ thể là mình từng làm việc không chính thức với các bé tại các trung tâm dành cho trẻ mồ côi tại Việt Nam từ năm 2014 cho đến khi sang Nhật, và sau khi sang Nhật thì mình lại tiếp tục làm việc về giáo dục mầm non tại Nhật.
Dựa trên những nghiên cứu – quan sát – ghi chép trong suốt khoảng thời gian đồng hành cùng trẻ, mình nhận thấy rằng trẻ đang chịu áp lực lớn từ cách giáo dục của cha mẹ sẽ có 8 dấu hiệu điển hình sau đây:
Nội dung bài viết
ToggleTrẻ có lòng tự trọng thấp
Nếu cha mẹ quá khắt khe, trẻ sẽ không thể cảm nhận được tình yêu và sự ấm áp từ cha mẹ. Chúng sẽ cảm thấy bản thân không được yêu thương, từ đó hình thành nên tâm lý luôn tự phê bình chính mình, luôn cảm thấy bản thân không đủ giỏi so với những đứa trẻ khác.
Một trong những dấu hiệu có thể nhận thấy ở những đứa trẻ đang gặp vấn đề về lòng tự trọng đó là thường xuyên cắn móng tay, mút tay hay nói chuyện lí nhí. Do đó, đừng bỏ qua các dấu hiệu như mút tay thường xuyên hay thay đổi tông giọng khi trò chuyện với ba mẹ, thầy cô,… ở các bé.
Trẻ luôn e dè và lo sợ khi phải đưa ra các quyết định
Vì cha mẹ quá nghiêm khắc, nên trẻ sẽ luôn trong tình trạng lo sợ bản thân sẽ làm điều gì đó sai lầm, dẫn đến việc bị la rầy hay thậm chí là những trận đòn roi.
Bất cứ khi nào muốn làm một việc gì đó, trẻ luôn trong trạng thái lo lắng và không chắc chắn về quyết định của mình. Như một phản ứng tự nhiên, trẻ luôn phòng thủ vì sợ bản thân sẽ thất bại, sẽ bị từ chối.
Luôn quan sát thái độ, nét mặt của ba mẹ hay giáo viên khi làm điều gì đó
Tương tự như trên, nếu bạn đưa trẻ một cây bút hoặc đưa trẻ đứng trước vũng nước thì một đứa trẻ 4 tuổi sẽ tự do chơi đùa với những thứ trước mặt mình. Tuy nhiên với những đứa trẻ có cha mẹ quá nghiêm khắc thì mọi thứ sẽ hoàn toàn ngược lại, chúng sẽ quan sát thái độ của người đối diện trước khi đưa ra bất kỳ hành động nào.
Trẻ luôn muốn thu hút sự chú ý từ người khác
Dấu hiệu này thường diễn ra theo hai hướng:
Hướng thứ nhất: Với những trẻ có cá tính mạnh, trẻ sẽ thu hút sự chú ý bằng các hành động gây hấn, tấn công bạn bè hoặc gây khó dễ cho giáo viên ở trường.
Có thể ở nhà trẻ là đứa trẻ ngoan ngoãn và rất vâng lời cha mẹ, nhưng khi có sự xuất hiện của người khác hoặc ở trường, trẻ sẽ cư xử theo hướng ngược lại.
Hướng thứ hai: Thường xảy ra với những bé gái. Những trẻ này luôn muốn được gần gũi giáo viên hay những người mới quen.
Trẻ sẽ cố gắng cư xử tốt vì muốn được công nhận và khen ngợi, muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ giáo viên. Ngoài ra, chúng cũng rất chú ý vào kết quả.
Trẻ dễ bùng nổ và khó điều chỉnh cảm xúc của bản thân nếu cha mẹ quá nghiêm khắc
Nếu cha mẹ quá nghiêm khắc và kiểm soát trẻ, luôn bắt trẻ phải kiềm nén các cảm xúc của bản thân, dần dần trẻ sẽ không biết cách tự kiềm chế cũng như thể hiện cảm xúc cá nhân. Trẻ dễ bùng phát sự giận dữ vì những điều rất nhỏ ở trường mà không thể nói được lý do. Biểu hiện này đôi khi rất dễ nhầm lẫn với cách mà trẻ đang tìm kiếm sự chú ý. Vì vậy, giáo viên hay cha mẹ cần tìm hiểu kỹ để giúp trẻ thể hiện các cảm xúc của bản thân cũng như đừng đánh giá hành động của trẻ.
Trẻ thường tè dầm hoặc đi vệ sinh mất kiểm soát
Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp bất ổn về tâm lý. Lý do có thể xuất phát từ sự sợ hãi mà trẻ phải đối mặt không chỉ với gia đình mà còn với giáo viên. Cha mẹ và giáo viên cần quan sát và giúp đỡ trẻ trong giai đoạn khó khăn này. Xin hãy kiên nhẫn nhiều hơn với trẻ, tránh nói những lời làm trẻ cảm thấy xấu hổ hay dọa nạt khiến trẻ sợ hãi. Đừng như một cô giáo Yên Bái gây thương tích cho trẻ chỉ vì trẻ đi ị trong quần.
Trẻ kém tập trung khi cha mẹ quá nghiêm khắc
Những căng thẳng bắt nguồn từ cha mẹ có thể khiến trẻ chìm vào trong những suy nghĩ riêng của bản thân. Bên cạnh đó, có thể vì một sự bất an mơ hồ nào đó như lo lắng về sự tồn tại của cha mẹ, giáo viên hay người chăm sóc mà trẻ không thể tập trung khi học hoặc tham gia hoạt động vui chơi.
Trẻ thường có cảm giác ghen tị
Đây cũng là một trong những dấu hiệu của trẻ có lòng tự trọng thấp. Khi giáo viên khen ngợi hoặc chú ý vào một bạn khác hoặc khi bạn thân của mình chơi với một người bạn khác thì trẻ thường có cảm giác ghen tị. Cảm xúc này có thể hình thành khi trẻ có thêm em, thiếu hụt tình cảm từ cha mẹ hoặc bị kiểm soát quá mức. Và nó có thể “bị nuôi dưỡng” cho đến khi trưởng thành.
Mình hy vọng bài viết này sẽ mang đến thông tin hữu ích cho các thầy cô cũng như các bậc phụ huynh, những người đồng hành sát sao trong hành trình khôn lớn của trẻ. Hy vọng mọi người có thể nhận biết sớm những dấu hiệu khủng hoảng nơi trẻ để có thể nhẹ nhàng, thoải mái hơn trong cách dạy các bé tại trường học cũng như ở nhà.
Vì trẻ mầm non là giai đoạn cần được như chính trẻ (Be like kid). Hãy giúp trẻ tự điều chỉnh và vượt qua cảm xúc của mình thay vì kiểm soát cảm xúc để thay đổi hành vi.
Với tư cách là một giáo viên – người chăm sóc, hãy giúp đỡ và chia sẻ với những cảm xúc nơi trẻ bằng một tấm lòng bao dung, không phán xét, không đe dọa, không tạo áp lực để trẻ sợ hãi.
Đọc thêm bài viết “Như thế nào là đứa trẻ ngoan” của mình tại đây